2023 là năm đặc biệt với PGS Lê Thanh Long, 35 tuổi, giảng viên khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, với "cú ăn bốn" giải thưởng, danh hiệu. Anh được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, vinh danh Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, cán bộ trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia TP HCM ba năm liên tiếp và là một trong 14 công dân trẻ tiêu biểu của thành phố. Một năm trước đó, anh nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn trao tặng.
PGS Long nói đây là quả ngọt của cả một hành trình miệt mài nghiên cứu và luôn cố gắng hết sức mình.
"Khi về nước, tôi không nghĩ mình sẽ được nhiều giải thưởng như vậy", anh Long nói.
Anh Long là cựu học sinh THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai. Vì thích kỹ thuật, công nghệ và tự động hóa khi xem cuộc thi Robocon, năm 2006, anh thi vào ngành Kỹ thuật Cơ điện tử của trường Đại học Bách khoa TP HCM. Thấy năm trước đó ngành này lấy điểm cao nhất trường, anh Long càng hy vọng học xong sẽ có triển vọng tốt.
Dù vậy, anh không theo đuổi nguyện vọng này được lâu. Sang năm thứ hai, kinh tế gia đình khó khăn, anh Long đành chuyển sang ngành Kỹ thuật Cơ khí, chương trình kỹ sư tài năng, để có thêm học bổng và trợ cấp hàng tháng.
"Chương trình kỹ sư tài năng được đầu tư đội ngũ giảng viên giỏi, nội dung tốt nhưng lúc đó chỉ ngành Kỹ thuật Cơ khí có chương trình này nên tôi không còn lựa chọn khác", anh nhớ lại.
Như nhiều sinh viên khác, anh Long mong ra trường sẽ vào làm việc trong công ty lớn hay tập đoàn đa quốc gia để có thu nhập tốt. Nhưng suy nghĩ, hướng đi của anh thay đổi khi bắt tay thiết kế pin nhiên liệu PEMFC vào năm thứ ba đại học. Lần đầu tiên làm nghiên cứu, anh Long chưa biết phương pháp, phải đọc nhiều tài liệu ở nước ngoài, nhiều lần nản và định bỏ cuộc. Những lúc này, thầy của anh đều động viên tinh thần, hướng dẫn cách giải quyết vấn đề từng bước. Hoàn thành đề tài, anh Long tự tin và ham mê nghiên cứu hơn.
"Tôi nhận ra nghiên cứu không chỉ là một công việc, mà là một cuộc phiêu lưu và không ngừng khám phá, tìm kiếm cái mới", anh Long nói, cho biết đây là lý do sang Đài Loan làm nghiên cứu sinh.
Năm 2016, anh Long tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan với ba công bố quốc tế, nhận giải nhà khoa học Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực Cơ khí tại đây. Nghiên cứu của anh liên quan đến lĩnh vực tính toán động lực học chất lưu, ứng dụng trong các thiết bị điện tử. Trong đó, anh cung cấp một phương pháp mới để điều khiển linh hoạt giọt chất lỏng trong kênh dẫn vi lưu, qua đó phát triển các thiết bị chip điện tử dùng trong công nghệ nano, hệ thống vi cơ điện tử MEMS và lĩnh vực tự động hóa.
Với thành tích và năng lực nghiên cứu, anh có cơ hội giảng dạy, định cư tại Canada và một số nước châu Âu hoặc ở lại Đài Loan. Sau khi suy nghĩ, anh chọn về nước để được gần gia đình và cống hiến cho nơi từng đào tạo mình.
"Trường Đại học Bách khoa là môi trường thuận lợi để tôi tiếp tục đam mê nghiên cứu. Hơn nữa, tôi muốn truyền lửa đam mê, khát vọng thay đổi cho các bạn sinh viên, như những gì mà tôi đã may mắn nhận được từ thầy cô của mình", anh Long chia sẻ.
PGS.TS Lê Thanh Long đã công bố 51 bài báo khoa học, trong đó 35 bài trên tạp chí và hội thảo khoa học quốc tế uy tín. Anh là chủ nhiệm 5 đề tài được nghiệm thu, một bằng độc quyền giải pháp hữu ích về phòng áp lực âm, ứng dụng ở nhiều bệnh viện hồi dịch Covid-19, năm 2020.
Giải pháp dựa trên nguyên lý áp suất trong phòng thấp hơn áp suất môi trường nên không khí chỉ có thể đi từ một phía và không thể thoát ra qua phía đã vào. Điều này giúp đảm bảo an toàn vi sinh, không cho virus phát tán ngược ra môi trường trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Đây là sản phẩm anh Long tâm đắc vì đã cùng cả nhóm hoàn thành gấp rút trong bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh tại TP HCM căng thẳng.
Ngoài ra, anh Long cũng là tác giả của nhiều sản phẩm có ứng dụng thực tế như buồng phun dịch khử khuẩn, máy lọc nước, máy check-in IoT Bách khoa. Trong đó, IoT check-in Bách khoa giúp nhận dạng người vào trường thông qua quét thẻ bằng camera trong 5 giây, không lo ùn tắc khi có nhiều người quét cùng lúc. Ngoài trường Bách khoa, sản phẩm được dùng tại một số trường khác.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP HCM, nói nhà trường rất trân trọng tinh thần cống hiến của PGS Long, khi bỏ qua nhiều cơ hội giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài để trở về.
Ông nhận xét, trong vai trò giảng viên, PGS Long gần gũi, hết mình vì sinh viên. Trong nghiên cứu, thầy Long đam mê, cần mẫn. Ngay khi về nước năm 2017, thầy Long đã tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về kỹ thuật số và kỹ thuật hệ thống.
"Thông thường, khi về nước, các tiến sĩ có tâm lý làm việc một cách thư thái sau thời gian căng mình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Thầy Long lại khác, lao ngay vào công việc nghiên cứu, do đó kết quả nghiên cứu của thầy rất tốt", PGS Phúc đánh giá.
PGS Long chia sẻ trên một hành trình không có giới hạn như nghiên cứu khoa học, anh thấy hạnh phúc vì tình yêu, nỗ lực dành cho nghiên cứu đã được chứng thực. Nhưng anh luôn nhắc mình không tự mãn mà luôn tiến lên, tìm cái mới.
Anh và các cộng sự đang tập trung phát triển các thiết bị Cơ khí - Tự động hóa, những robot có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)..., để giải quyết các vấn đề trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế.
"Tôi luôn cố gắng hướng những công trình của mình đến việc giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội, có tính ứng dụng. Thực tế có muôn vàn vấn đề cần cải tiến, thay đổi và đó là nguồn động lực nghiên cứu bất tận", anh Long chia sẻ.
Lệ Nguyễn