Trao đổi với VnExpress, PGS.TS Trần Diên Hiển, người viết sách giáo khoa và nhiều tài liệu toán nâng cao cho học sinh tiểu học, cho rằng đề toán lớp 3 của học sinh ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, ngoài chương trình lớp 3. Kiến thức lớp 3 mới dừng lại ở việc tính toán vài dấu phép tính, trong khi bài toán có tới 12 dấu phép tính.
"Ngay cả học sinh THPT cũng rất ít khi phải làm đề đến 12 dấu phép tính. Vì vậy, dạng đề này không nên ra cho học sinh lớp 3. Giáo viên cũng không nên ra đề như thế vì không phù hợp với mục tiêu dạy học toán", thầy Hiển khẳng định.
Từng ôn luyện cho học sinh giỏi toán tiểu học, thầy Hiển chưa bao giờ ra những đề toán như thế. Bởi vì mong muốn của thầy là giúp các em dùng trí tuệ để giải toán chứ không cần tính toán căng thẳng. Các dạng toán phải vận dụng được kỹ năng toán học, áp dụng được vào cuộc sống.
"Tuy nhiên, ngoài hình dung ban đầu của nhiều người, bài toán đã không chỉ gây sốt ở Việt Nam mà một số nước trên thế giới đã đăng lại và mời độc giả giải. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của toán học và ít nhiều bài toán này đã tác động đến sự quan tâm của người dân đến toán học (chưa hẳn là tác động đến việc dạy học toán)", thầy Hiển nói.
Bài toán của một học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. |
Là người trực tiếp giảng dạy cho học sinh tiểu học, thầy Nguyễn Văn Nam (trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B, Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, xét về mặt kiến thức (số học) thì bài toán đảm bảo kiến thức đúng với lớp 3 vì ở lớp 3, học sinh đã học 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Xét về mặt nhận thức, học sinh cũng sẽ hiểu được đây là dạng toán tính ngược từ cuối. Tuy nhiên, bài toán này quá khó đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 3. Vì kiến thức cơ bản thì học sinh chỉ học đến 3, nhiều là 4 phép tính (bài nâng cao). Còn bài này có hơn 10 phép tính, như vậy là quá khó.
"Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân để giáo viên ra bài này cho học sinh ôn tập. Đó là muốn rèn cho học sinh kỹ năng thực hiện các phép tính, hoặc có ý thách đố học sinh, tìm những em có tư duy cao", thầy Nam nói.
Có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở tạp chí Toán tuổi thơ, anh Hoàng Trọng Hảo lại cho rằng đây là bài toán hay, có ích cho việc phát triển tư duy của học sinh. "Tuy khó làm, nhưng để giảng dạy và cho học sinh ôn luyện thì vẫn rất tốt. Đề toán không mới và cũng không phải là dạng xa lạ", anh Hảo nhận định..
Theo anh Hảo, đề bài yêu cầu điền từ số 1 đến số 9 vào bảng. Trong bảng trống đúng 9 ô, trùng khớp với yêu cầu đề bài. "Về mặt tâm sinh lý học sinh, tôi tin rằng 100% các em khi đọc đề sẽ hiểu là cần điền các số khác nhau từ 1 đến 9 vào các ô đó. Nếu các chữ số cho phép lặp lại thì thường có mở ngoặc giải thích", anh Hảo nói và cho rằng chỉ người lớn mới hiểu sai đề để có những đáp số điền số giống nhau ở những vị trí khác nhau.
Gửi thư đến VnExpress, bạn đọc Hồ Hữu Công cho biết, cháu của anh đang học lớp 3 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Vừa rồi trường đưa đề ôn thi cuối kỳ có bài toán đặc biệt mà cháu không thể giải. "Cháu đã gửi cho chúng tôi nhờ giải nhưng chúng tôi cũng bó tay. Mong Ban Giáo dục hỏi các chuyên gia xem đề như vậy có thực sự phù hợp với học sinh lớp 3 không”, bạn đọc Công viết. Thầy giáo Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, đánh giá bài toán này khó ngay cả với những người lớn giỏi toán, vì vậy sẽ rất khó cho học sinh lớp 3. "Tôi đã gửi bài toán cho một số người, trong đó có cả tiến sĩ kinh tế có xuất phát từ Toán học, nhưng họ chưa đưa ra được lời giải", thầy Phương cho hay. |
Lan Hạ