Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị nắm hơn một nửa thị phần phân phối hiện nay - vừa gửi kiến nghị tới Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều chỉnh loại chi phí này.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam, phí premium nhập khẩu, trong nước và đưa từ nhà máy lọc dầu về kho doanh nghiệp... đều tăng cao bất thường so với mức hiện tính trong giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Tính toán của Petrolimex cho thấy, premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu) thực tế đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở.
Chẳng hạn, với xăng nền RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92), chênh lệch giữa thực tế và mức tính trong giá cơ sở là 622 đồng một lít; RON 95 là 551 đồng, dầu diesel 437 đồng, dầu hoả là 681 đồng và dầu mazut 279 đồng một kg.
Tương tự, cũng đang có chênh lệch giữa premium trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước) và mức tính trong giá cơ sở, 70-120 đồng một lít với xăng, dầu.
Chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đã được điều chỉnh từ 11/10, nhưng hiện cũng thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả 40-60 đồng mỗi lít xăng, dầu.
Ngoài ra, với các khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở, Petrolimex cho hay đã được điều chỉnh từ ngày 11/7, nhưng vẫn đang thấp hơn so với thực tế bình quân năm 2021 khoảng 184-598 đồng một lít, tương đương 13-39% giá bán lẻ xăng dầu và 33 đồng một lít (khoảng 6%) với giá bán buôn dầu mazut.
"Chi phí định mức trong giá cơ sở thấp hơn nhiều so với thực tế năm 2021 đã được kiểm toán, nên tập đoàn không thể triển khai các kế hoạch", Petrolimex cho hay.
Ngoài các chi phí chưa được tính đúng, đủ, Petrolimex cho biết, từ đầu năm nay còn có các chi phí tăng cao bất thường.
Đơn cử chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí vận chuyển bình quân tăng 31%; dịch vụ thuê ngoài tăng 65% do giá xăng dầu, sản lượng bán cao đột biến... Các khoản chi phí dịch vụ khác, như thuê đất tăng làm tăng chi phí bình quân 3 đồng một lít; hay chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí giá bán bình quân thêm 17 đồng một lít.
Tập đoàn này dự báo các chi phí trên sẽ tăng trong quý IV và dự kiến phát sinh trong các năm tới khoản chênh lệch tỷ giá và lãi suất vay, tăng lương của công nhân ở mức bình quân 20%...
Do các yếu tố đầu vào đều tăng vọt và mức điều chỉnh vừa qua vẫn thấp hơn thực tế, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành gần nhất. Việc này để đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xã hội.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị áp dụng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo USD/thùng, thay vì giá trị tuyệt đối trong giá cơ sở, để phản ánh phù hợp biến động tỷ giá và định kỳ rà soát điều chỉnh trước biến động bất thường.
Giải trình trước Quốc hội chiều 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, từ đầu năm đến nay đã hai lần tăng các chi phí kinh doanh xăng dầu (ngày 10/1 và 7/10). Hiện mỗi lít xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92) có chi phí vận chuyển, quản lý là 1.960 đồng.
Ông Phớc cho biết sắp tới sẽ kiến nghị Chính phủ giao toàn diện quản lý xăng dầu gồm quyết định giá, chi phí định mức, kinh doanh... về Bộ Công Thương để chủ động được nguồn cung.
Xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn diễn ra thời gian dài khi một số cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp, thậm chí bằng 0.
Sau thời gian tạm ổn, tình hình xăng dầu, nhất là phía Nam hiện vẫn thiếu hụt. Nhiều cửa hàng bán lẻ ở miền Tây khó khăn về nguồn cung, báo lỗ buộc phải xin đóng cửa. Như tại Sóc Trăng, theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này thiếu khoảng 75.000 m3 xăng dầu trong những tháng cuối năm nay, đầu năm sau.
Tại TP HCM, Sở Công Thương hôm qua cho biết hiện có khoảng 10% cửa hàng bán lẻ trong tình trạng hết hàng, đóng cửa hay bán nhỏ giọt.