Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 công bố kế hoạch áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Sau đó, kể từ ngày 9/4, hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ sẽ chịu mức thuế đối ứng cao hơn, lên tới 50%. Động thái lập tức khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Truyền thông Mỹ cho hay Cố vấn Thương mại Peter Navarro là một trong những quan chức tham gia xây dựng gói thuế quan đối ứng của ông Trump, cùng với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Trong nhóm này, Navarro được coi là người có quan điểm cứng rắn nhất về thuế quan và đã khiến tỷ phú Elon Musk, đồng minh thân cận của ông Trump, bất bình. Musk những ngày qua liên tục công khai chỉ trích Navarro, người gần đây khoe rằng ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Harvard năm 1986.
"Có bằng tiến sĩ kinh tế tại Harvard không phải điều tốt, mà là tồi tệ. Cái tôi/bộ não > 1 chính là rắc rối", ông Musk viết trên X ngày 5/4, ám chỉ ông Navarro thiếu năng lực. Khi một người khác bênh vực Navarro, Musk lập tức phản bác: "Ông ta chưa từng xây dựng được thứ gì cả".

Cố vấn thương mại Mỹ Peter Navarro và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 13/2. Ảnh: Reuters
Peter Navarro sinh năm 1949 tại Cambridge, bang Massachusetts. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Tufts năm 1972, sau đó tham gia Chương trình Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ, làm việc ở Thái Lan trong ba năm.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ Harvard, Navarro làm giáo sư danh dự về kinh tế và chính sách công tại Trường kinh doanh Paul Merage, Đại học California, giảng dạy tại đây từ năm 1989.
Từ năm 1992, ông tranh cử 5 lần để tham gia chính trường nhưng đều thất bại, đáng chú ý là cuộc đua vào ghế thị trưởng San Diego và hạ nghị sĩ đại diện bang California. Navarro từng là thành viên đảng Dân chủ, rồi chuyển sang độc lập, sau đó gia nhập đảng Cộng hòa từ năm 2018 đến nay.
Navarro viết nhiều cuốn sách về kinh tế, đặc biệt là về cân bằng thương mại. Năm 2006, ông xuất bản cuốn The Coming China Wars, trong đó thảo luận về vai trò của Trung Quốc trong nền thương mại thế giới. Đây là một trong những cuốn sách mà ông Trump yêu thích nhất hồi năm 2011.
Navarro cho rằng Trung Quốc "đang phát động một cuộc chiến kinh tế" thông qua trợ giá xuất khẩu, áp hạn chế nhập khẩu và thao túng tiền tệ. Quan điểm này đã thu hút sự chú ý của ông Trump khi tỷ phú New York tranh cử năm 2016 và Navarro trở thành cố vấn về vấn đề kinh tế cho chiến dịch.
Sau khi đắc cử, ông Trump bổ nhiệm Navarro làm giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, tiếp đó là giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất. Đội ngũ của ông Trump mô tả Navarro là kinh tế gia "có tầm nhìn", người sẽ "xây dựng chính sách thương mại giúp Mỹ giảm thâm hụt, đẩy mạnh tăng trưởng và chấm dứt tình trạng việc làm rời khỏi Mỹ".
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Navarro ủng hộ chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" và thúc đẩy áp thuế Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác. Ông lập luận rằng không nước nào sẽ đáp trả "bởi vì chúng ta là thị trường lớn nhất và sinh lời nhất thế giới".
Quan điểm này khiến Navarro có lập trường trái ngược với hầu hết giới kinh tế gia, chiến lược gia đảng Cộng hòa và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng lại "trùng sóng" với lập trường của ông Trump rằng Mỹ đang bị các quốc gia khác tước đoạt.
"Ông Trump lắng nghe Peter, đặc biệt là về Trung Quốc", Stephen Moore, nhà nghiên cứu tại tổ chức bảo thủ Heritage Foundation, nói với TIME năm 2018. Chính Navarro giúp ông Trump biến niềm tin thành hành động, đưa ra định hướng chính sách và lập luận cho Tổng thống.
Tuy nhiên, những chính sách này khiến căng thẳng leo thang, dẫn đến thương chiến với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Chính quyền ông Trump sau đó phải chi 30 tỷ USD hỗ trợ cho nông dân Mỹ chịu thiệt hại vì bị Trung Quốc áp thuế đáp trả.
Navarro chứng tỏ được vị thế khi là một trong những cố vấn trụ lại hết nhiệm kỳ đầu đầy biến động nhân sự của ông Trump.
"Tôi chứng kiến ông ấy tương tác với Tổng thống nhiều lần. Họ thể hiện sự tâm đầu ý hợp mà không cố vấn nào khác có được", Michael Pillsbury, cố vấn hàng đầu ngoài chính quyền về Trung Quốc của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, nói.
Sau khi ông Trump thất cử năm 2020, Navarro là một trong những người ủng hộ tuyên bố "cuộc bầu cử có gian lận". Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021 cáo buộc Navarro đã lên kế hoạch để đảo ngược kết quả bầu cử.
Navarro bị truy tố năm 2022, kết tội năm 2023 và lĩnh án 4 tháng tù năm 2024, trở thành cựu quan chức Nhà Trắng đầu tiên ngồi tù vì tội coi thường quốc hội. Trong thời gian này, ông Trump cũng đối mặt hàng loạt vụ truy tố.
Navarro ra tù tháng 7/2024. 4 tháng sau, ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai và một lần nữa chọn Navarro làm cố vấn trưởng về thương mại và sản xuất tại Nhà Trắng.

Ông Peter Navarro tại Washington tháng 3/2018. Ảnh: AFP
Trong nhiệm kỳ hai của ông Trump, Navarro vẫn bác bỏ các nguyên tắc kinh tế thông thường, ủng hộ mạnh mẽ thuế quan, coi đây là công cụ để tăng cường ngân sách và hồi sinh sản xuất cho Mỹ. Ông ước tính Mỹ sẽ có nguồn thu 600 tỷ USD từ thuế quan trong năm 2026.
"Thông điệp ở đây là thuế quan sẽ giúp giảm thuế trong nước, mang lại việc làm và đảm bảo an ninh quốc gia", Navarro trả lời Fox News hôm 30/3. "Thuế quan tuyệt vời cho Mỹ, giúp Mỹ vĩ đại trở lại".
Giới chuyên gia kinh tế hoài nghi kế hoạch thuế đối ứng của ông Trump sau cùng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu ảnh hưởng, khiến lạm phát tăng. Họ cảnh báo sự bất định liên quan kế hoạch có thể phản tác dụng, nhưng Navarro vẫn kiên định với quan điểm của mình.
"Hãy tin ở Tổng thống Trump", ông nói.
Như Tâm (Theo iNews, CBS News, Investopedia)