Messi bị dè bỉu khi không thể giành được danh hiệu nào khi về với Argentina, còn Pep thì bị chê bai khi không giành được C1 khi rời Barcelona. Kết quả thì sao? Messi đã có Copa America, Finallissima và đỉnh cao là chiếc cup vàng với Argentina.
Còn Pep, ông đã dập tan mọi định kiến về mình khi không những là chiếc cup tai voi mà còn là cú ăn 3 lịch sử với Manchester City. Khởi đầu sự nghiệp, rất nhiều người nói rằng Pep "ăn may" khi Barcelona toàn hảo thủ.
Vậy hãy cùng nhìn lại dàn "hảo thủ" mùa 2008-2009 của Pep nhé. Iniesta chỉ là kép phụ cho Deco, Busquets thậm chí còn là một cầu thủ lạ tai với chính các cules, Pique chỉ là một cậu nhóc vừa kết thúc khóa thực tập tại Old Trafford....Và cũng đừng quên rằng đã hai năm liền Barcelona phải nấp dưới cái bóng của Real Madrid tại La Liga và đương nhiên là cũng chẳng có chiếc cup C1 nào.
Đúng, Barca toàn là hảo thủ đấy nhưng họ sẽ không được gọi là hảo thủ nếu không có sự can đảm và bộ óc thiên tài vượt thời gian của Pep. Có thể bạn cho rằng việc Pep vô địch Bundesliga chẳng có gì quá ấn tượng nhưng chắc chắn bạn không thể nói điều tương tự về EPL.
Ngoại hạng Anh là giải đấu vô cùng khắc nghiệt, nơi mà bạn không thể đoán chắc chắn về nhà vô địch. Ấy vậy mà Pep biến nó thành một farmers league (tạm dịch: Giải đấu nông dân) của riêng ông khi vô địch 5/7 mùa giải ở đây.
Không những vậy, ông còn biến Man City thành nhà vô địch xuất sắc nhất khi có mùa giải 2017-2018 ghi nhiều bàn thắng nhất và giành nhiều điểm nhất. Và ông cũng chính là người đầu tiêu sau Sir Alex có cú hattrick vô địch.
Có thể bạn cho rằng Pep chỉ biết vung tiền. Cũng đúng đấy nhưng chưa đầy đủ. Hãy thử đặt câu hỏi ngược lại? Ngày xưa nếu Sir Alex chỉ biết dùng các cầu thủ trẻ của Man United thì ông liệu có giành được tới 13 chức vô địch nước Anh không?
Vấn đề ở đây không phải là tiêu tiền hay không mà là tiêu tiền như thế nào. Hãy nhìn Man United từ năm 2016 đến nay còn tiêu tiền nhiều hơn "gã hàng xóm ồn ào" của họ nhưng đổi lại là gì? Nếu thật sự Pep chỉ biết tiêu tiền thì không có lý gì ông lại để mất Harry Macguire, Alexis Sanchez và Fred về tay MU.
Và thực tế đã chứng minh đó là quyết định đúng của ông. Pep biết giá trị của từng cầu thủ, biết được họ đáng giá đến đâu nên sẽ biết dừng lại khi đối tác hét giá vượt định mức. Và ở khía cạnh khác, Man City của Pep đã bán được Jesus với giá 50 triệu euro khi mua về chỉ 32 triệu euro, bán Zinchenko với giá 35 triệu euro khi mua về chỉ 4,5 triệu euro, bán Torres với mức giá 55 triệu euro khi mua về chỉ 34 triệu euro.
Cùng với đó, ông đem về một Erling Haaland (được định giá 160 triệu euro ở thời điểm đó) với giá chỉ 60 triệu euro. Bạn có thể tiếp tục nói Pep chỉ biết vung tiền nhưng mấy ai vung tiền một cách khôn ngoan như ông?
Có lẽ là quá phí thời gian khi dùng số danh hiệu để nói về tầm vóc của Pep mà ảnh hưởng của ông còn vượt xa như thế. Khi thế giới còn ưa chuộng với sơ đồ 4-4-2 thì Pep đã đi trước thời đại với sơ đồ 4-3-3 và lối chơi pressing toàn diện cũng như định hướng vị trí.
Hãy nhìn hình ảnh Sir Alex run tay lẩy bẩy trong trận chung kết C1 năm 2011 và Ronaldo bất lực trước màn đá bóng ma của các cầu thủ Barcelona là đủ để thấy Pep đã đi trước thời đại xa như thế nào. Hay chính Rooney cũng đã thừa nhận sai lầm của Sir Alex trong trận chung kết C1 năm đó chính là chơi đôi công với Barcelona của Pep.
Khi thế giới dần bắt kịp với xu thế pressing của Pep thì ông liền phát kiến ra vị trí Inverted Fullback với sự xuất hiện của Cancelo. Và khi thế giới học theo ông, ông lại cho ra lò vị trí Inverted Centerback với sự xuất sắc của John Stone. Và cũng đừng quên rằng, chính lối chơi pressing của Pep đã đặt ra yêu cầu các trung vệ, thủ môn cũng phải trở thành một trạm trung chuyển bóng từ tuyến sau từ đó đặt dấu chấm hết cho những trung vệ "cụt chân" hay thủ môn chỉ biết bay người cản phá bóng.
Cái hay của Pep chính là ông không ngần ngại loại trừ những cầu thủ có ảnh hưởng không tốt tới tập thể như Deco, Eto'o, Rô "vẩu", Zlatan, Cancelo hay thậm chí là những công thần như Joe Hart, Yaya toure để ông có thể toàn tâm toàn ý thực hiện triết lý của mình.
Zlatan từng nói " Barcelona của Pep như một nhà trẻ, nơi mà các cầu thủ được đưa vào một khuôn mẫu". Nhưng nếu một nhà trẻ có thể giúp bạn đạt tối đa tiềm năng của mình thì chắc chắn ai cũng muốn vào cái khuôn mẫu đó.
Người ta hay nói "Danh sư xuất môn đồ". Và những người từng phụng sự Pep giờ đây đều tạo dựng được tên tuổi của mình. Arteta giúp arsenal cán đích ở vị trí á quân EPL, Ten hagg giúp MU có danh hiệu và một lối chơi hấp dẫn, Kompany vừa giúp Burnley trở lại với ngoại hạng anh...
Có thể nói, ảnh hưởng của Pep không chỉ lên cầu thủ mà còn là những người từng làm việc với ông. Nhắc tới danh sư thì Pep thừa nhận triết lý bóng đá của ông được thừa hưởng rất nhiều từ Johann Cruyff nhưng với những gì đã đạt được thì có lẽ chính Pep đã vượt qua người thầy của mình.
Người học trò vĩ đại nhất của ông, Lionel Messi là người duy nhất có hai lần giành quả bóng vàng World Cup và được tất cả mọi người ca tụng là Greatest Of All Time thì Pep cũng là Huấn luyện viên đầu tiên có được hai cú ăn ba ở hai câu lạc bộ khác nhau (và có thể sẽ là cú ăn 6 thứ hai trong sự nghiệp).
Liệu Pep có phải là Huấn luyện viên xuất sắc nhất thế kỷ 21 hay không? Không, không chỉ là xuất sắc nhất mà còn là vĩ đại nhất thế kỷ 21 nữa.
Bạn có thể tiếp tục không thích hay ghét Pep nhưng bạn sẽ không thể phủ nhận sự xuất sắc và vĩ đại của một bộ não thiên tài trên băng ghế huấn luyện.
trunksleessj4
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.