Do Alexander Fleming phát hiện vào năm 1928, trải qua hàng chục năm, penicillin mới được các nhà khoa học hiểu rõ ý nghĩa và sản xuất để thử nghiệm trên người. Nếu không có loại thuốc ấy, chắc chắn Anne Miller sẽ không bao giờ đi vào lịch sử hay quan trọng hơn là được nhìn thấy 6 đứa cháu cùng 7 đứa chắt của mình.
Theo The New York Times, tháng 3/1942, Anne Miller chuyển đến bệnh viện New Haven trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm liên cầu, nguyên nhân gây tử vong rất phổ biến thời bấy giờ. Không chỉ vậy, cô còn vừa sảy thai. Miller sốt cao 39,4 độ hàng tuần lễ, phẫu thuật và truyền máu không thể giúp cô khá lên.
Miller lay lắt, nửa tỉnh nửa mê trên giường bệnh. Các bác sĩ bắt đầu tuyệt vọng. Tình cờ họ nhận được thông tin về một loại thuốc đang được thử nghiệm. Bác sĩ của Miller liền liên hệ với chính phủ để xin một thìa thuốc (khoảng 14,8 ml) cho bệnh nhân. Kết quả, chỉ sau một đêm, người phụ nữ ốm yếu kia bỗng hạ sốt, không còn mê sảng và ăn ngon miệng trở lại. Thứ thuốc thần kỳ đó chính là penicillin.
Miller được cứu sống, mở ra hy vọng cho tất cả người mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Trước đó, một số bệnh nhân ở Anh được thử thuốc đã chết sau khi hồi phục bởi không có đủ penicillin để duy trì. Thời điểm 1941, việc tạo ra penicillin từ nguồn nấm mốc ban đầu vô cùng tốn kém và khó khăn. Năm 1943, cả nước Mỹ chỉ sản xuất được lượng penicillin cho 30 người.
May mắn, điều này sớm được thay đổi. Sau khi penicillin trợ giúp quân nhân cùng dân thường bị thương trong Thế chiến thứ hai, lực lượng quân y đã yêu cầu sản xuất thuốc trên diện rộng. Từ tháng 5/1944, bất cứ ai cũng được phép mua penicillin. Phát minh của Alexander Fleming trở thành phương thuốc kỳ diệu "cứu sống nhiều người hơn số chiến tranh đã cướp đi".
Minh Nguyên