"Bạo lực là không thể chấp nhận và cần được giải quyết. Nhưng không có lý do gì để huy động quân đội Mỹ thực hiện điều này", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 2/6 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn, nhắc đến lời đe dọa triển khai lực lượng quân sự tới các bang để đối phó biểu tình của Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm trước, Trump tuyên bố sẽ triển khai quân đội Mỹ để "nhanh chóng giải quyết vấn đề nếu các bang, thành phố từ chối thực hiện các hành động cần thiết" để bảo vệ dân chúng cùng tài sản trước các cuộc biểu tình bạo lực sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tammy Duckwort, người mất hai chân trong chiến tranh Iraq, cũng chỉ trích dữ dội tuyên bố của Trump, cho rằng ông chủ Nhà Trắng "chỉ quan tâm tới việc ra vẻ mình là một lãnh đạo, thay vì thực hiện vai trò lãnh đạo thực sự".
"Chúng ta không thể để bất cứ tổng tư lệnh nào đe dọa hình ảnh 'pháo đài cuối cùng người Mỹ có thể tin tưởng và tôn trọng' của các lực lượng vũ trang, khi huy động họ một cách bất hợp pháp và đẩy họ vào vị trí khoét sâu thêm mâu thuẫn của đất nước", Duckworth viết trên Twitter. Ông cũng cho rằng việc đe dọa sử dụng quân đội chống lại người Mỹ không phải là "phong cách của một tổng thống Mỹ".
Tuy nhiên, Trump vẫn được quyền kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn để triển khai quân đội ứng phó các tình trạng khẩn cấp trong nước. Lầu Năm Góc đã huy động các đơn vị quân cảnh và một tiểu đoàn trực chiến đến căn cứ gần Nhà Trắng, nhưng Trump vẫn chưa thông báo kích hoạt đạo luật này.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed gọi việc Trump cảnh báo huy động quân đội chống lại công dân Mỹ là "vô trách nhiệm và gây bất ổn". "Nhiệm vụ đưa tình hình trở về bình thường sẽ giúp các cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng phối hợp cùng nhau. Điều này không đến từ việc kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn", Reed cho biết trong thông cáo ngày 2/6.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng hạ viện Mỹ Adam Smith cho biết sẽ triệu tập phiên điều trần quốc hội vào tuần tới về khả năng Trump kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn, để nghe Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper giải thích kế hoạch dùng quân đội Mỹ đối phó khủng hoảng. Smith cảnh báo nguy cơ bạo động leo thang một cách cực đoan nếu Trump điều quân đội đến các thành phố để thực thi pháp luật.
Biểu tình "tôi không thở được" nổ ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ để phản đối cảnh sát ghì chết George Floyd, một người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Một số cuộc biểu tình bùng phát thành bạo động và cướp phá khiến giới chức phải dùng các biện pháp trấn áp mạnh tay.
Ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với các vụ bạo động. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Washington D.C. và 28 bang.
Nguyễn Tiến (Theo NPR)