Ngày 16/7/1950, cậu nhóc 9 tuổi Edson Arantes do Nascimento lần đầu chứng kiến cha mình – một cầu thủ bóng đá – khóc nức nở sau khi một trận đấu kết thúc. Đó không phải trận cầu bình thường, mà là trận "chung kết" giữa Brazil và Uruguay. Chỉ cần hoà trên sân nhà Maracana, Brazil sẽ lần đầu tiên vô địch World Cup. Song bàn thắng của Alcides Ghiggia khiến chủ nhà ôm hận với tỷ số 1-2, tạo nên một trong những thất bại nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá.
Edson vào phòng của cha, ngước nhìn lên tấm ảnh Chúa Jesus trên tường và tự hỏi: "Tại sao điều này lại xảy ra? Tại sao điều này lại xảy ra với chúng con, hỡi Chúa? Tại sao, thưa Chúa? Tại sao chúng con lại bị trừng phạt?".
Edson cứ tiếp tục chuỗi câu hỏi ấy với tấm ảnh, cho tới khi cậu nghĩ ra một điều: "Nếu mình ở trên sân và được thi đấu, chắc chắn Brazil sẽ không thua. Nếu mình ở trên sân, chắc chắn Brazil sẽ thắng". Suy nghĩ ấy tới từ một cậu nhóc vốn phải làm quen với việc nhồi giấy vụn vào tất để làm bóng đá thay vì được chơi một quả bóng thật. Vội gạt nước mắt, Edson chạy ra ngoài và dõng dạc tuyên bố với người cha vẫn chưa vơi nỗi buồn: "Cha à, một ngày nào đó, con sẽ mang Cup vàng về cho cha!".
Edson đã làm được điều đó, không chỉ một mà tận ba lần. Được đặt tên theo nhà khoa học Edison, cậu nhóc Edson chưa từng có một phát minh nào. Nhưng bù lại, trong suốt sự nghiệp bóng đá trải dài hơn hai thập niên, Edson đã có biết bao lần đưa cảm xúc khán giả lên tột đỉnh.
Edson Arantes do Nascimento là tên thật của Pele - người vẫn được thế giới xưng tụng là "O Rei" (Nhà Vua) của bóng đá hơn nửa thế kỷ qua.
Sau khi cùng Argentina tới ngôi vô địch World Cup 2022, Lionel Messi vươn lên thành ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu GOAT (Cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời) và được đem lên bàn cân với hai huyền thoại Pele và Diego Maradona. Các bàn thắng của Messi đều được cập nhật theo từng giây, tất cả đều được ghi lại bằng video qua nhiều góc độ và khiến cho những thống kê về anh trở nên có sức nặng hơn hẳn Pele - người chưa từng chơi bóng ở châu Âu và thi đấu trong thời đại luật việt vị còn lỏng lẻo và chưa chính xác tới từng milimet như hiện nay.
Ngay cả chiến tích là cầu thủ duy nhất từng ba lần vô địch World Cup cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tầm ảnh hưởng của Pele. Ngoại trừ kỳ World Cup 1958 giúp chàng trai 17 tuổi Pele bước ra vũ đài thế giới với sáu bàn thắng và danh hiệu "Cầu thủ trẻ hay nhất giải", hai chức vô địch còn lại không mang đậm dấu ấn của ông. Tại Chile năm 1962, Pele - được xem là cầu thủ hay nhất thế giới thời điểm ấy - đã chấn thương gần như suốt giải và người hùng thực sự dẫn dắt Brazil tới ngôi vương là Garrincha - thiên tài với đôi chân khác người.
Tới Mexico 1970, những hảo thủ xung quanh Pele như Rivelino, Carlos Alberto, Tostao hay Jairzinho... giúp Brazil 1970 trở thành đội tuyển hay bậc nhất lịch sử túc cầu, và nhiều khán giả thế hệ sau cho rằng với chừng ấy tài năng, việc vô địch là đương nhiên.
Nhưng từ một góc nhìn khác, Pele vĩ đại bởi ông luôn được lấy làm thước đo cho mọi cầu thủ vĩ đại của những thế hệ kế cận. Theo trang kỷ lục Guiness, Pele đang nắm giữ kỷ lục thế giới với 1.279 bàn trong 1.363 trận. Con số kỷ lục này được thống kê từ giai đoạn 7/9/1956 khi Pele mới 16 tuổi cho tới ngày 1/10/1977.
Sau khi Pele giải nghệ, xứ sở Samba đã sản sinh ra rất nhiều tiền đạo tài năng xuất chúng như Romario, Ronaldo hay Neymar. Nhưng duy nhất Neymar có thể cân bằng kỷ lục ghi 77 bàn của Pele cho Brazil sau chừng ấy năm, và ngay cả khi đó số lượng chưa tương xứng với chất lượng. Khoảnh khắc Neymar cân bằng kỷ lục tại tứ kết World Cup 2022 nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh sau đó ít lâu bởi các cầu thủ Croatia, khi họ cân bằng tỷ số và tiễn Brazil về nước sau loạt luân lưu. Vì lẽ đó, ngay cả khi Neymar sẽ phá vỡ kỷ lục của Pele trong tương lai, anh mãi sẽ chỉ là một "hoàng tử" nếu chưa cùng Brazil lên ngôi vương World Cup như cách Pele từng làm.
Theo mô tả của những người từng xem Pele chơi bóng, ông là một cầu thủ hoàn hảo cả về thể chất lẫn tâm lý so với các đồng nghiệp cùng thế hệ. Pele có thể chơi cả tiền đạo lẫn tiền vệ sáng tạo, có thể sút tốt cả hai chân, đánh đầu như tên bắn. Ông vừa khéo léo kỹ thuật lại vừa có sức mạnh hơn người.
Số bàn thắng ghi lại được bằng video của Pele còn ít ỏi, nhưng đủ để người ta thấy tài năng phi phàm ượt trội đối thủ trong thời đại mặt sân và những đôi giày đá bóng còn chưa hiện đại. Bàn thắng nổi tiếng của ông vào lưới Juventus năm 1959 không được ghi lại mà chỉ được máy tính tái hiện qua ký ức những người chứng kiến, nhưng vẫn khiến người ta ngả mũ với cách Pele tâng bóng qua toàn bộ hàng thủ đối phương trước khi đánh đầu vào lưới.
"Hoàng đế’ Franz Beckenbauer khẳng định Pele là "cầu thủ toàn diện nhất mà tôi từng được chứng kiến", trong khi hậu vệ Italy Burgnich được giao kèm Pele trong trận chung kết World Cup 1970 phải ngỡ ngàng: "Tôi cứ tự nhủ trước trận rằng anh ta cũng chỉ là người trần mắt thịt mà thôi, nhưng tôi đã nhầm".
So với những huyền thoại bóng đá cùng thời, Pele là số một, là riêng, là duy nhất. Vua ghi bàn Ferenc Puskas cho rằng cầu thủ hay nhất lịch sử là Di Stefano, nhưng Pele không được xếp hạng bởi ông còn trên một bậc. Người duy nhất từng ghi 13 bàn trong một kỳ World Cup là chân sút Pháp Just Fontaine thậm chí còn "muốn treo giày khi xem Pele chơi bóng". "Thánh" Johan Cruyff cho rằng Pele là "cầu thủ duy nhất vượt qua ngưỡng logic thông thường". Sir Bobby Charlton khẳng định bóng đá "được phát minh ra để tôn vinh ma thuật của Pele".
Xuyên suốt sự nghiệp, Pele có dịp đụng độ nhiều huyền thoại túc cầu và luôn nhận được sự tôn trọng đặc biệt từ đối thủ. Trung vệ đội trưởng Anh vô địch World Cup 1966 Bobby Moore khẳng định: "Pele là cầu thủ toàn diện nhất tôi từng thấy. Anh ấy có tất cả: hai chân như một, ma thuật trên không, nhanh, mạnh mẽ. Pele có thể qua người như bỡn, chạy nhanh hơn tất cả với nhãn quan hơn người. Chỉ cao 1m73 nhưng như một người khổng lồ trên sân. Anh ấy là người vĩ đại nhất bởi anh ấy có thể làm tất cả trên sân. Đến HLV Saldanha khi được hỏi ai là thủ môn hay nhất đội còn trả lời là Pele cơ mà. Anh ấy có thể chơi ở bất kỳ vị trí nào!".
Trong thời đại khi Pele còn chơi bóng, sự chênh lệch cấp độ câu lạc bộ giữa Nam Mỹ và châu Âu chưa như thời hiện đại. Do đó, luận điểm Pele không vĩ đại vì ông chưa chơi bóng ở châu Âu không chính xác. Thủ thành Costa Pereira của nhà vô địch châu Âu Benfica là chứng nhân lịch sử cho sự kiệt xuất của Pele. Năm 1962, Santos của Pele với tư cách nhà vô địch Copa Libertadores đụng độ Benfica của huyền thoại Eusebio trong hai lượt trận tranh Cup liên lục địa. Hệ quả, Pele ghi tới năm bàn sau hai lượt trận, trong đó có hat-trick ngay tại Lisbon ở trận lượt về. Sau chiến bại, Pereira lắc đầu ngao ngán: "Tôi cứ hy vọng có thể ngăn cản một người xuất chúng, ai ngờ lại bại trận trước người ngoài hành tinh!".
Một trong những lý do khiến Pele không thể chơi bóng ở châu Âu giai đoạn đỉnh cao còn nằm ở chính phủ Brazil. Sau khi nổi như cồn ở World Cup 1958, nhiều ông lớn lục địa già như Real Madrid, Inter Milan, Juventus hay Man Utd đã đánh tiếng muốn sở hữu Pele. Cựu chủ tịch Massimo kể trên tờ La Gazzetta về việc người cha Angelo từng có được chữ ký của Pele nhưng phải ngậm ngùi xé hợp đồng.
"Inter là đội châu Âu đầu tiên ký được hợp đồng với nhà vô địch này - người vừa khiến thế giới phát cuồng sau kỳ World Cup tại Thuỵ Điển. Cha tôi lập tức ra tay để có chữ ký của Pele trước sự cạnh tranh của nhiều đội bóng khác. Mọi thứ đã xong xuôi cho tới khi thông tin được lan truyền tới Brazil và người ta bắt đầu phẫn nộ, tìm cách tấn công chủ tịch Santos. Ông ấy gọi cho cha tôi trong tình trạng hoảng loạn vì lo sợ cho tính mạng, và cha tôi đành vì lương tâm mà huỷ bỏ thương vụ trên".
Để tránh điều tương tự lặp lại, chính phủ Brazil của Tổng thống Janio Quadros đã đưa ra một tuyên bố vô tiền khoán hậu: công nhận Pele là "bảo vật quốc gia" và là tài sản có chủ quyền trong một thập kỷ. Với sự sắc phong kỳ quặc này, Pele đương nhiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục khoác áo Santos, mặc cho sự thèm khát không thể giấu diếm của những đại gia châu Âu. Người hâm mộ Brazil được giải thoát khỏi viễn cảnh ác mộng khi không thể chứng kiến "bảo vật" thi đấu tại quê nhà mỗi cuối tuần.
Nhưng tài nghệ bóng đá chỉ là một phần lý do khiến Pele được xưng tụng như Vua bóng đá. Khi Pele giải nghê, đại sứ Brazil tại Liên Hợp Quốc J.B Pinheiro tuyên bố: "Trong 22 năm chơi bóng, Pele đã giúp quảng bá cho tình hữu nghị trên toàn thế giới còn nhiều hơn bất kỳ đại sứ nào trước đó". Đúng như lời Pinheiro, Pele đã vượt qua giới hạn của thể thao.
Nếu như bóng đá là một thứ tôn giáo, thì Pele là một nhà truyền giáo đại tài. Vào năm 1967, đất nước Nigeria đang trải qua cảnh súng đạn bất ngờ ban lệnh ngừng bắn 48 giờ khi Santos của Pele tới Lagos để chơi bóng. Tờ Time tuyên bố "huyền thoại Pele đã làm được điều các nhà ngoại giao và chính trị gia không thể làm được" khi nhắc tới chuyến làm khách lịch sử này.
Lối chơi bóng đá đẹp "Jogo Bonito" được gắn với phong cách của tuyển Brazil bấy lâu nay được lấy cảm hứng từ chính lời tự thuật của Pele khi nói về sự nghiệp. "Nhà truyền giáo" ấy đã mang bóng đá đẹp đi khắp nơi, đồng thời là người khởi xướng cho nhiều xu hướng của bóng đá hiện đại. Năm 1975, Pele sang Mỹ chơi bóng cho New York Cosmos và khiến sự hứng thú với túc cầu của người dân xứ cờ hoa tăng vọt. Ngày Pele đá trận ra mắt, 300 phóng viên từ các hãng thông tấn khác nhau đã có mặt tại sân để theo dõi trận đấu vốn được phát sóng trực tiếp tới 20 quốc gia.
Tại Mỹ, Pele được đón tiếp nồng hậu bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ, thậm chí trong một sự kiện, Tổng thống Ronald Reagan còn hài hước: "Tên tôi là Ronald Reagan và tôi là Tổng thống Mỹ, nhưng ông thì không cần phải tự giới thiệu bởi ai cũng biết danh Pele".
Trước Pele, việc một ngôi sao tầm cỡ thế giới sang Mỹ chơi bóng là ít gặp. Sau ông, hàng loạt huyền thoại cùng thời như Beckenbaeur, Eusebio, Cruyff, Moore hay George Best đều chọn nơi đây làm bến đỗ. Cho tới ngày nay, việc các ngôi sao quốc tế như David Beckham, Wayne Rooney hay Kaka... tới Mỹ để dưỡng già đã là điều đương nhiên, nhờ người mở đường Pele.
Sau khi giải nghệ, Pele từng làm Bộ trưởng Thể thao Brazil (1995-1998) đồng thời trở thành một đại sứ toàn cầu của bóng đá. Ông vẫn hay xuất hiện trên các mặt báo với những dự báo kết quả đa phần... trật lất. Nhưng khi Pele nhập viện vì sức khoẻ, thế giới bóng đá đều cầu nguyện cho ông. Sau tất cả, Pele vẫn là Vua bóng đá, dù những cuộc tranh cãi có kéo dài đến nhường nào.
Một cuộc khảo sát năm 2012 được các nhà tâm lý học thuộc trường Amsterdam City thực hiện với 600 người với câu hỏi "Ai là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử?" đem tới kết quả thú vị. Đa phần người được hỏi sinh trong giai đoạn 1946-1955 trả lời là Pele, trong khi những người sinh từ 1956-1965 lại chọn Cruyff. Với thế hệ chào đời từ 1966-1975, câu trả lời là Maradona. Điều này cho thấy với những người sinh sau năm 1990, những Ronaldo Nazario, Messi hay Cristiano Ronaldo sẽ là những ứng cử viên. Câu trả lời cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời sẽ mãi là tương đối, và mỗi người hay thậm chí mỗi thế hệ sẽ có câu trả lời của riêng mình.
Chỉ có những chiến tích họ làm được là không đổi. Với Pele, đó không chỉ là kỳ tích chơi bóng cho Santos ở tuổi 15, ra mắt Brazil năm lên 16 và toả sáng ở World Cup tuổi 17. Ông còn là siêu sao da màu toàn cầu đầu tiên, là ngôi sao sáng nhất của tập thể Brazil vĩ đại bậc nhất lịch sử. Như chính Pele từng khẳng định: "Pele không có màu da, sắc tộc hay tôn giáo riêng nào. Pele được chấp nhận ở khắp mọi nơi".
Thất bại lịch sử của tuyển Brazil năm 1950 có thể khiến cả dân tộc nhỏ lệ, nhưng đó lại là khởi đầu cho hành trình của một huyền thoại. Edson có thể đã nằm xuống, nhưng cái tên Pele sẽ vĩnh viễn lưu danh sử sách túc cầu với cái tên "Nhà Vua".
Thịnh Joey