Ngày 13/11, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã thống nhất PC-Covid là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, ứng dụng VNeID của Bộ Công an có vai trò định danh, xác thực người dân. Còn Sổ sức khỏe điện tử, do Bộ Y tế quản lý, là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân. Cả hai sẽ vẫn tồn tại lâu dài, kể cả khi đại dịch kết thúc, để phục vụ xã hội.
"Các địa phương không phát triển thêm phần mềm, ứng dụng phòng chống dịch khác, thống nhất dùng chung ứng dụng để thuận tiện nhất cho người dân", thông báo của Cục nêu. Một số địa phương tích hợp chức năng phòng chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh đã có từ trước sẽ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT&TT để liên thông dữ liệu.
Ngoài ra, mã QR cũng thống nhất cách hiển thị trên các ứng dụng. Đại diện Bộ TT&TT cho biết, hiện QR code trên PC-Covid đã liên thông với dữ liệu của Bộ Y tế và Bộ Công an. "Sự tương thích giữa các mã QR nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi chưa có thói quen thống nhất trong việc bật ứng dụng nào. Còn PC-Covid đã đáp ứng được các yêu cầu về ứng dụng chống dịch", vị này nói.
Trong trường hợp không có điện thoại, người dân có thể dùng QR code trên Căn cước công dân (CCCD). Việc quét QR tại các địa điểm công cộng hiện là yêu cầu bắt buộc theo nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 9/11, ông Lê Văn Dũng, đại biểu tỉnh Quảng Nam, nêu thực trạng ứng dụng chống dịch được triển khai theo kiểu "mạnh ai nấy làm" khi mỗi ngành, mỗi địa phương có một app khai báo, không ai chấp nhận của ai, gây bức xúc cho người dân.
Trong gần hai năm qua, Việt Nam có hơn 10 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch như Bluezone, VHD, Ncovi, VNeID...., chưa tính đến các ứng dụng địa phương như Hue-S, Y tế HCM... Theo một lãnh đạo trong ngành thông tin và truyền thông, con số này lớn nhưng không đồng nghĩa người dùng phải cài tất cả.
Khương Nha