Ông Định cho rằng, Radiant Investments Limited (RIL), một thành viên nước ngoài tham gia liên doanh GISH - bị đơn vụ UCI kiện tranh chấp quyền Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị - muốn xóa quyền lợi hợp pháp của UCI bằng những thủ đoạn không hợp pháp, bội ước cam kết với các ngân hàng đồng tài trợ cho dự án.
Theo ông Định, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị GISH đương nhiệm Nguyễn Văn Hảo không phải là người môi giới cho liên doanh và xúc tiến dự án như giải thích của Chủ tịch Hội đồng quản trị RIL Dato Jaya JB Tan với VnExpress ngày 10/7, mà có vị thế là người đề xuất dự án, kể cả có công đặt tên khai sinh cho liên doanh GISH cũng như khách sạn Park Hyatt.
Ngoài ra, 2 thành viên bên nước ngoài trong liên doanh đã phân công ông Hảo chịu trách nhiệm xin cấp địa điểm và giấy phép đầu tư để thực hiện dự án; còn RIL lúc đó là công ty Pengkalen Holdings Berhad lo phần tài chính bao gồm đảm bảo nguồn tài trợ cho dự án lẫn việc góp vốn của công ty ông Hảo.
![]() |
Khách sạn 5 sao Park Hyatt ở TP HCM. Ảnh: oztravel. |
Giám đốc điều hành UCI cũng khẳng định, báo cáo hoạt động tháng của Park Hyatt vẫn có vài lần gửi, gần đây nhất là tháng 4, không phải 2 năm liền Hội đồng quản trị không nhận được báo cáo tài chính như đại diện RIL và GISH đã cho biết. Kết quả kiểm toán cũng được tiến hành và gửi báo cáo. Đồng thời, UCI cáo buộc RIL đã lừa thành viên Việt Nam trong liên doanh ký vào các nghị quyết do RIL đề xuất để "can thiệp" vào nội bộ bên nước ngoài.
Tháng 10 năm ngoái, UCI đã khởi 2 vụ kiện RIL tại tòa án TP HCM. Vụ thứ nhất, UCI đề nghị tòa bác nghị quyết Hội đồng quản trị GISH có nội dung truất quyền Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Văn Hảo. Vụ kiện này đã được Tòa sơ thẩm hồi tháng 4 tuyên bị đơn thắng kiện và giữ nguyên hiệu lực pháp lý của nghị quyết Hội đồng quản trị. Phán quyết của tòa sơ thẩm kết luận, nghị quyết thay người điều hành của Hội đồng quản trị là đúng quy định của Luật đầu tư nước ngoài (mới) về nguyên tắc biểu quyết theo đa số (thay thế cho nguyên tắc nhất trí)và điều lệ liên doanh. UCI đang kháng cáo. Vụ kiện khác, UCI tranh chấp quyền lợi với RIL, đòi trả 2% nghĩa cử và 345.000 USD. Tòa đang thụ lý vụ kiện này ở giai đoạn hòa giải các đương sự. Hiện chưa có lịch xét xử tiếp theo tại tòa TP HCM cho cả 2 vụ kiện. |
Phía UCI cho biết, Bản ghi nhớ dự án năm 1993 để thành lập liên doanh GISH, phía Việt Nam là Công ty xây lắp công nghiệp (nay là Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn) có 30% vốn bằng quyền sử dụng đất, vốn pháp định của UCI (khi đó là Công ty NVH Associates) là 21% và RIL (lúc đó là Công ty Pengkalen Holdings Berhad (PHB)) 49%.
Năm 1994, để vay vốn tài trợ cho dự án Park Hyatt từ các ngân hàng nước ngoài, PHB phải nắm giữ 50% vốn pháp định trong liên doanh. Ông Hảo đồng ý tạm thời chuyển có điều kiện 2% cổ phần gọi là nghĩa cử cho PHB để công ty này giữ đa số vốn 51%. Hai bên xác định sau khi dự án hoạt động sẽ hoàn trả lại cho UCI. Sau đó do yêu cầu tăng vốn, phía UCI phải đóng thêm 345.444 USD cho phần sở hữu vốn của mình mà không được PHB "bao" như lời hứa.
Hiện UCI chuẩn bị kiện đòi lại khoản tiền tăng thêm này.
UCI cũng cho rằng, thực chất RIL hoàn toàn thất bại trong việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thực hiện dự án Park Hyatt và công đầu làm việc với các ngân hàng thuộc về ông Nguyễn Văn Hảo.
Hiện tại, UCI "tố" RIL đang muốn hất cẳng ông Hảo để nuốt chửng UCI, chuyển nhượng một cách hợp pháp "viên ngọc báu Park Hyatt" sang Lasseter International Holdings, một công ty đại chúng của gia đình họ Tan vừa được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore.
Mâu thuẫn kịch liệt
Trao đổi với VnExpress chiều nay, luật sư Trần Tuấn Phong thuộc Văn phòng Vilaf Hồng Đức, đại diện RIL trong vụ kiện với UCI, tái khẳng định việc ông Hảo thiếu hợp tác với các thành viên Hội đồng quản trị liên doanh GISH trong điều hành Park Hyatt.
Kể cả báo cáo kiểm toán cũng chỉ kết thúc ở việc đưa ra tổng số tiền chi vượt của dự án là 8 triệu USD, mà không thể nêu chi tiết là chi cho ai, như thế nào...
Chủ tịch Hội đồng quản trị RIL Dato Jaya Tan khẳng định, 19% vốn mà UCI có để góp vào GISH là tiền của PHB. Phía ông Hảo không có khả năng tài chính, ngoại trừ khoản tăng vốn 345.444 USD mà UCI phải đóng cho 19% cổ phần của mình.
Giải thích khoản 2% nghĩa cử mà ông Hảo đề cập, ông Dato cũng cho biết, khi đàm phán mua lại PHB, để phòng trường hợp thất bại, ông có hứa chuyển 2% cổ phần từ PHB sang công ty ông Hảo nhằm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của PHB xuống dưới 51%. Tuy nhiên, cuối cùng việc mua lại PHB diễn ra suôn sẻ nên RIL không phải thực hiện lời hứa này.
"Có những lời hứa, giao kèo giữa 2 bên, nhưng phải xét trong tiến trình thực tế thực hiện dự án, thể hiện trong văn bản và quy định của pháp luật Việt Nam", luật sư đại diện RIL nói.
Phan Anh