Chuyến roadtrip (du lịch đường bộ) của chúng tôi đến đất nước bị chia cắt bởi hai dãy núi đồ sộ Himalaya và Korakoram bắt đầu giữa mùa thu 2019. Cả hành trình di chuyển hơn 3.000 km vô vàn những ấn tượng, thú vị và nhiều trải nghiệm độc đáo. Trái với tin tức về một nơi bất ổn chính trị, vũ trang, khủng bố và sự tàn phá, Pakistan là nơi "gây thương nhớ".
Pakistan trong tim của chúng tôi là Islamabad nhộn nhịp, những thung lũng vàng óng tựa dải lụa ở Gilgit, Gulmit, Phander, Hunza hay những ngọn núi hùng vĩ sừng sững của rặng Korakoram.
Baltistan là khu vực chiến lược quan trọng của Pakistan ở vùng phía Bắc và là một trong những nền văn minh lâu đời nhất khu vực Nam Á. Vùng đất nằm trên một thung lũng cao với những sông băng rộng lớn và đỉnh núi phủ tuyết trắng.
Vùng đất này giáp tỉnh Badakhshan của Afghanistan về phía bắc, khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc ở phía đông và đông bắc, tiếp giáp tỉnh Azad Kashmir ở phía tây nam, và Jammu và Kashmir về phía Ấn Độ.
Baltistan nổi tiếng những khu vườn của Shalimar, những cuộc phiêu lưu, những di tích và tàn tích của thành cổ Taxila và những người Hồi giáo sơ khai hay các nền văn minh Mughal. Di sản, di tích Con đường Tơ lụa vẫn còn tồn tại khắp nơi trên đất nước Pakistan đến ngày nay, đặc biệt nhất ở vùng Baltistan.
Chúng tôi đến điểm di tích Con đường Tơ lụa chênh vênh trên một ngọn núi. Zahid, hướng dẫn viên địa phương, kể nơi đây từng in dấu nhiều đoàn lữ hành vận chuyển lụa, trà, các loại thương phẩm từ Á sang Âu và ngược lại. Khi mặt trời dần khuất bóng, buổi chiều hoàng hôn nơi đây đẹp như tranh vẽ, phía xa nắng buông dần trên những ngọn núi tuyết.
Một trong số đó là Nanga Parbat cao 8.126 m, đây là ngọn núi cao thứ 9 thế giới. Ngọn núi nằm ở sườn tây của dãy núi Himalaya thuộc Pakistan. Nanga Parbat được người dân địa phương gọi là "Núi Quỷ", để nói lên sự hiểm trở và cheo leo khi có rất ít người chinh phục được nó. Đây là ngọn núi nguy hiểm, đòi hỏi nhiều kỹ thuật để leo. Nơi đây cũng là nơi chôn vùi nhiều nhà thám hiểm muốn chinh phục.
Phander của Baltistan được ví là thung lũng cổ tích của vùng đất Nam Á, nép mình bên dòng sông Gilgit thơ mộng. Từ thủ đô Islamabad của Pakistan, quãng đường tới đây gần 700 km về phía tây bắc.
Chiếc xe van đưa chúng tôi uốn lượn qua những con đèo quanh co tới Phander, ngôi làng nhỏ ở biên giới Afganistan, bao quanh bởi những rặng núi tuyết phủ kín quanh năm. Ở đây, tôi như được chiêm ngưỡng bức tranh của mẹ thiên nhiên, những cánh rừng già phủ màu vàng óng còn dòng sông Gilgit nay ánh lên màu xanh ngọc bích, tương phản với nền trời cao vợi.
Ở đây chúng tôi được dự lễ Walima, nghi lễ trọng đại trong ngày cưới của người Pakistan. Cả làng của chú rể sẽ đứng chào đón cô dâu trong khoảng 60-90 phút. Những cụ già, người thân của chú rể bắt tay, ôm hôn thể hiện sự chào đón với một người mới trong làng. Sau đó, 2 nhân vật chính của hôn lễ được mời vào nhà thờ Hồi Giáo tại ngôi làng để thực hiện nghi thức chủ trì do một vị Imam phụ trách (Imam có chức sắc cao nhất ngôi làng).
Tiệc sau cùng do nhà chú rể chiêu đãi thân mật tại nhà. Thực đơn chiêu đãi thường có bánh mì dẹt chapati, bánh kếp (một loại bánh bột mỳ truyền thống Pakistan), thịt bò Yak hầm, salad và trà bơ.
Trong ngày lễ Walima, cả ngôi làng như bước vào những ngày hội thật sự. Họ dừng tất cả công việc thường nhật để khoác lên mình bộ đồ truyền thống, kèm những chiếc khăn Hijab xinh đẹp (chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo). Cả ngôi làng rộn ràng, đầy ắp tiếng cười để chúc phúc cho đôi uyên ương.
Cả ngày dự tiệc Walima, chúng tôi còn được vị Imam dẫn đi thăm làng, vào từng ngõ ngách, thết đãi đặc sản địa phương và giới thiệu những thành viên đặc biệt của gia đình chú rể trong ngày lễ trọng đại của anh ấy. Được chào đón vào nhà của vô số người lạ, chúng tôi lại có cảm giác thân thuộc như được trở về nhà, hay kẻ xa xứ về với quê mẹ.
"Một đám cưới cổ tích", bạn tôi thốt lên khi thấy khung cảnh ngôi làng chìm vào sắc thu vàng rực. Những vườn táo trĩu quả trên những cành lá đã đổi màu.
Không chỉ là tuyến đường trải nhựa cao nhất thế giới mà cao tốc Karakoram còn được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8" của nhân loại.
Năm 1959, Chính phủ Trung Quốc và Pakistan đã ký kết hợp tác và chính thức khởi công xây dựng cao tốc này, mất khoảng 20 năm để hoàn thành, tức năm 1979. Với độ dài hơn 1.290 km, cao tốc nối các tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan của Pakistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Tuyến đường ở độ cao 4.600'm so với mực nước biển, chạy dọc theo dãy núi Karakoram và rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ quét, sạt lở... Được đi trên con đường chênh vênh bên vách núi hiểm trở, chúng tôi không thể ngừng thán phục về vẻ đẹp vĩ đại và cả sự kỳ công của con người khi chinh phục thiên nhiên.
Trở về từ Parkistan sau nhiều năm, khung cảnh ở Karakoram là điều tôi sẽ nhớ mãi. Bên cạnh đó là những chiếc hôn nồng hậu của hướng dẫn viên Zahid hay lời cảm ơn đặc biệt của anh lái xe cừ khôi mà chúng tôi hay đùa rằng: "Đến anh lái xe cũng phải đẹp trai đến thế!".
Khách Việt ấn tượng người Pakistan đẹp như tạc tượng
Thiên nhiên kỳ vĩ ở Ladakh
Bhutan qua lăng kính du khách Việt
Du khách Việt trải nghiệm ở trại căn cứ Everest