* Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm về thua lỗ của Pacific Airlines |
Ông Lương Hoài Nam, Giám đốc Pacific Airlines, cho biết, cuộc họp cổ đông sáng nay cũng chỉ là cuộc họp thường kỳ nhưng do vấn đề thời sự hiện nay đang nóng bỏng nên nó trở nên rất quan trọng. Quyết định xem xét cuối cùng của các cổ đông là sẽ thay đổi Pacific theo chiều hướng tốt đẹp hơn trong tương lai. Đối với con số nợ 200 tỷ đồng (50% là nợ tồn đọng của nhà đầu tư nước ngoài) thì công ty sẽ xây dựng phương án đi vay nợ để chi trả.
Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi chuyển từ Vietnam Airlines sang với con số nợ khổng lồ của Pacific, ông Nam đã từng bước điều chỉnh lại bộ máy và nắm bắt tình hình tài chính của công ty này. Ông cho rằng, bộ máy quản lý yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Pacific thua lỗ. Do đó công ty đã thay kế thế một số người thuộc vào hàng chủ chốt như: kế toán trưởng, trưởng phòng khai thác bay, trưởng phòng chi nhánh Hà Nội và một số công nhân.
Để giải tỏa những khúc mắc của dư luận về việc Vietnam Airlines nhân cơ hội này sẽ biến Pacific thành một công ty 100% vốn của mình, ông Nam nhấn mạnh: "Pacific Airlines sẽ không bị Vietnam Airlines biến thành bộ phận lệ thuộc vào nó. Vietnam Airlines cũng sẽ không làm điều này". Do đó, trong thời gian tới nếu thực hiện phương án tăng vốn, việc ai sẽ chi phối Pacific Airlines sẽ do các nhà đầu tư quyết định.
Theo ông Nam, hiện rất nhiều nhà đầu tư kể cả trong và ngoài nước ủng hộ cho Pacific. Bởi thương hiệu của Pacific đã được nhiều người biết đến là hãng hàng không rất thiết thực cho mọi người. "Tôi không biết định giá của Pacific hiện được bao nhiêu nhưng nếu đem so với thương hiệu của nó thì sẽ có giá trị hơn con số đã thua lỗ là 200 tỷ đồng", ông Nam nói. Do đó chỉ tính riêng vốn trong nước thì đã đáp ứng đủ để chi trả số nợ tồn đọng hiện tại của Pacific. Còn phía nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp hay không thì còn phụ thuộc vào sự quyết định của Chính phủ.
Pacific cắt giảm chi phí lao động để giải quyết nợ. |
Giám đốc của Pacific Airlines cũng cho biết, trong thời gian này con số lỗ của Pacific được giảm xuống rất nhanh. Cụ thể trong quý III năm nay, lỗ đã giảm 1/2 so với các quý trước và quý IV này ước giảm 1/3 so với các quý trước. Kế hoạch mà Pacific đặt ra là trong vòng 1 năm sau sẽ không lỗ nữa đồng thời sẽ giải quyết hết số nợ tồn đọng. Để thời gian sau đó, công ty kinh doanh có lãi hơn, nhằm bù đắp thâm hụt hiện nay.
Kế hoạch giảm lỗ được thực hiện trên cơ sở cắt giảm chi phí như: đàm phán lại việc thuê máy bay. Tính từ thời điểm hoạt động (1991) đến nay, Pacific thuê máy bay dưới 2 hình thức khô và ướt, nhưng có thể trong thời gian tới chỉ sử dụng hình thức thuê ướt. "Pacific quyết tâm làm sao để giảm chi phí thuê máy bay xuống còn 40% và thực tế đơn vị này đã làm được và trong tháng vừa qua giảm 5 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở con số đó, Pacific dự kiến sang năm 2005 giảm được 50 tỷ đồng, nếu không có sự biến động về giá cả của xăng dầu" - ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Pacific thực hiện cắt giảm chi phí lao động trong các chuyến bay giá rẻ, một lao động có thể kiêm nhiệm nhiều công việc khách nhau. Ví dụ chuyến bay giá rẻ TP HCM - Đà Nẵng, do không có dịch vụ cơm cho hành khách trên máy bay, nên không có nhân viên làm vệ sinh riêng, mà tiếp viên kiêm thêm công việc thu dọn.
Ngoài ra, Pacific tích cực tăng thu qua việc vận chuyển hàng hóa và chống thất thoát.
Giám đốc Pacific Airlines nhận định: "Trong 3 năm tới, viễn cảnh của Pacific sẽ tốt. Vì thị trường hàng không trong nước rất lớn nhiều tiềm năng, do địa lý giữa 2 miền bắc nam cách nhau khá xa. Đồng thời nó cũng phù hợp với các chuyến bay giá rẻ mà Pacific đã từng khai thác".
Nguyễn Thùy