Trong khoảng thời gian từ đầu 2014 trở lại đây, thị trường ôtô Việt Nam bắt đầu phát triển theo xu hướng chung của thế giới, đó là chuộng xe gầm cao. Các dòng xe gầm thấp truyền thống như sedan, hatchback dần kén khách hơn, nhường thị phần cho SUV, crossover, MPV và bán tải.
Bảng phân tích dựa trên doanh số của các dòng xe thuộc VAMA (Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam) cho thấy, phân khúc SUV cỡ C tăng dần thị phần, trong khi sedan cỡ D của những Camry, Sonata thu hẹp dần. Phân khúc crossover cỡ C có mức giá khoảng một tỷ, đáp ứng hợp lý cả nhu cầu cá nhân và gia đình. Các đại diện phân khúc này gồm Honda CR-V, Mazda CX-5, Kia Sportage, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander, Chevrolet Captiva.
1. Mazda CX-5
Theo số liệu của VAMA, 6 tháng đầu 2016, Mazda bán 3.859 xe CX-5 ra thị trường, đứng đầu trong phân khúc crossover C, bỏ xa đối thủ gần nhất là Honda CR-V. CX-5 cùng Mazda3 là hai mẫu xe giúp thương hiệu Mazda phát triển mạnh tại thị trường Việt trong 2-3 năm trở lại đây.
Điểm mạnh để CX-5 chinh phục khách hàng nằm ở thiết kế và trang bị, dù khả năng vận hành không mang lại nhiều cảm xúc như Honda CR-V. Xe có ba phiên bản sử dụng động cơ 2 hoặc 2,5 lít, mức giá 1.039-1.098 triệu.
2. Honda CR-V
Giống như CX-5, Honda CR-V là những cái tên mới tạo nên trào lưu, dù rằng gây nhiều tranh cãi ở thiết kế đuôi xe phiên bản mới. Có người thích, có người không, nhưng khoang hành lý thì rộng rãi hơn hẳn. Qua nửa đầu 2016, xe bán 1.994 xe.
CR-V có hai phiên bản là 2 lít và 2,4 lít. Về cảm giác vận hành, CR-V sở hữu những thứ mà đối thủ CX-5 không thể có, đó là nét thể thao, phản ứng nhạy chân ga, vô-lăng chính xác như xe Đức. Xe có giá 1.008 và 1.158 triệu cho hai phiên bản.
3. Hyundai Tucson
Tucson ngày càng giống đàn anh Santa Fe. Mẫu SUV Hàn Quốc cạnh tranh bằng kiểu dáng mới mẻ theo điêu khắc dòng chảy, mượt mà phù hợp cả nam lẫn nữ. Cũng nhiều trang bị, Hyundai cố gắng tạo chút khác biệt cho Tucson bằng cách thiết lập 3 chế độ lái Normal, Eco và Sport, tuy khác biệt là không nhiều.
Tucson có hai phiên bản là tiêu chuẩn giá 905 triệu và giới hạn giá 995 triệu. Mức giá có thể lợi hơn so với hai đối thủ Nhật, nhưng động cơ nhỏ hơn. Cả hai phiên bản đều dùng loại 2 lít, hộp số tự động 6 cấp. Số liệu bán hàng của Tucson không được công bố và nhà phân phối Hyundai Thành Công không thuộc VAMA.
>> Ảnh chi tiết Hyundai Tucson
4. Kia Sportage
Cùng nền tảng, công nghệ với người anh em Tucson nhưng Sportage không tạo được dấu ấn mạnh mẽ như các đối thủ tại thị trường Việt. Vài năm trở lại đây, doanh số của Sportage luôn lẹt đẹt, thậm chí có khi rơi vào top xe bán chậm nhất thị trường.
Kia Sportage ra mắt phiên bản mới hồi tháng 10/2015 với thiết kế lột xác gây tranh cãi bởi hiện đại nhưng có phần ngộ nghĩnh. Qua 6 tháng đầu năm, phiên bản mới chưa cho thấy sự bứt phá khi doanh số chỉ ở mức 99 xe, trở thành chiếc crossover bán chậm nhất phân khúc. Động cơ là loại Nu 2 lít giống Tucson. Mức giá 1.048 triệu.
5. Chevrolet Captiva
Chevrolet Captiva đang trên con đường tìm lại vinh quang một thời. Từng là mẫu SUV bán chạy nhất tại Việt Nam những năm 2007-2008, nhưng sau đó loạt nguyên nhân về tốn nhiên liệu, hay lỗi vặt, không đổi mới thiết kế, trang bị khiến Captiva mất dần sức hút.
Ở thế hệ mới, Captiva trang bị đổi mới đáng kể, những thứ như cảm biến điểm mù, cách âm khá tốt khi đi phố khiến Captiva mới ghi điểm. Tuy nhiên nhược điểm là độ trễ khi tăng ga, nên Captiva sẽ không phải lựa chọn của những người thích thốc ga, đè phanh kiểu lái lụa. Nhưng bước đầu, Captiva mới ghi nhận thay đổi tích cực khi nửa đầu 2016, doanh số là 402 xe.
Chevrolet Captiva có giá dễ chịu hơn hẳn so với các đối thủ. Động cơ 2,4 lít chạy xăng và giá 879 triệu.
>> Ảnh chi tiết Chevrolet Captiva
6. Mitsubishi Outlander
Trên thế giới Outlander Sport là phiên bản nhỏ hơn của Outlander. Hãng tự xếp bản Sport nằm cùng phân khúc của Honda CR-V mặc dù kích thước nhỏ hơn tương đối. Ở phiên bản 2016 mới giới thiệu tại Việt Nam hôm 6/8, hãng xe Nhật bỏ Sport và đưa về bản Outlander.
Outlander mới có chiều dài cơ sở vẫn là 2.670 mm, tức giống Outlander Sport trước đây, ngắn hơn khoảng 30 mm so với CR-V và CX-5. Ngược lại, chiều dài của xe lên tới 4.695 mm, dài hơn CR-V tới 115 mm. Lần đầu tiên ngôn ngữ thiết kế mới Dynamic Shield áp dụng cho Outlander. Giờ đây vẻ ngoài của chiếc crossover nhìn tương đối đồng điệu với đàn anh Pajero Sport.
Xe có 3 phiên bản với hai động cơ là 2.0 CVT và 2.4 CVT. Mức giá lần lượt là 975 triệu, 1.123 triệu và 1.275 triệu. Hai phiên bản dưới là loại 5 chỗ giống các đối thủ, riêng phiên bản cao nhất xếp 5+2 chỗ. Với cách định giá và thiết kế này, Outlander mang tham vọng cạnh tranh cả phân khúc của CR-V và cao hơn như Santa Fe.
>> Ảnh chi tiết Mitsubishi Outlander
>> Bảng giá xe cập nhật tại Việt Nam
Đức Huy