Trượt lốp sau là rủi ro hay gặp khi tài xế vào cua quá nhanh trong điều kiện đường trơn trượt với đôi lốp đã mòn, độ bám đường không còn tốt. Trong từ ngữ chuyên ngành, đây còn gọi là hiện tượng oversteer.
Hiện tượng này chủ yếu xảy ra với xe dẫn động cầu sau. Vì khi vào cua gấp và nhả chân ga, trọng lượng chuyển bất ngờ từ trước ra sau, mà cầu sau dẫn động nên dẫn tới văng đuôi. Ngoài xe dẫn động cầu sau, oversteer thỉnh thoảng xảy ra trên xe dẫn động 4 bánh và rất hiếm nhưng vẫn có trên xe cầu trước.
Không giống như trượt bánh trước (understeer), tài xế chỉ cần bình tĩnh để xe từ từ giảm tốc là lấy lại độ bám đường và kiểm soát xe. Ở oversteer, khi đã xảy ra hiện tượng quá lái, xe có xu hướng quay tròn, lúc này có giảm tốc cũng không thể đưa xe trở lại quỹ đạo.
Điều cần làm, không phải cố chống lại, mà phải xoay theo sự cố. Việc cần làm khi đó là không được nhìn theo hướng xe đang xoay, mà phải nhìn theo hướng muốn tới.
Khi đã xác định được hướng muốn tới, đánh lái ngược (countersteering) về phía hướng đó để chống lại hiện tượng xoay tròn của xe. Thực chất, hiện tượng này giống như việc các tay đua drift qua khúc cua. Để lấy lại độ bám cho bánh sau, có thể đạp mớm ga.
Một số tài xế thường cho rằng nếu xe đã có công nghệ cân bằng điện tử ESC (Electronic Stability Control) thì trường hợp này ít xả. Thực chất, ESC chỉ làm việc hiệu quả khi những bộ phận hỗ trợ trên xe còn tốt như độ bám đường của lốp, hiệu quả phanh. Đồng thời, nếu tài xế vào cua ở con đường chỉ cho phép khoảng 60 km/h với tốc độ 80 km/h thì công nghệ cũng không thể giúp đỡ được gì vì mọi can thiệp không thể chống lại quán tính lớn.
Để không xảy ra hiện tượng trượt bánh sau (oversteer), tài xế nên chủ động bơm lốp đầy đủ với áp suất phù hợp, bề mặt lốp còn đủ độ bám đường (hoa lốp, độ sâu rãnh, gai lốp...). Khi vào cua nên chủ động giảm tốc đến phù hợp để không phải đạp phanh bất ngờ lúc đang cua.
>> Xem video cách khắc phục trượt bánh sau
Minh Hy