"Khách đến xem xe vắng lắm, doanh số bán xe giảm hơn một nửa, nói chung là ảm đạm", Hoài Anh, một nhân viên bán hàng của đại lý Ford ở TPHCM cho biết. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế, trong đó có mua-bán xe hơi. "Khách hàng hạn chế đi lại vì lo ngại dịch bệnh nên lượng xe bán ra chậm. Đây là tình hình chung đâu chỉ ngành xe", Lộc nói thêm.
Tương tự là Quốc Tuấn, một nhân viên bán hàng của đại lý Hyundai (thuộc TC Motor) nói rằng chưa bán được xe nào trong tháng 2. "Lượng khách đến xem xe giảm rõ rệt so với tháng trước. Phần vì sau Tết, nhu cầu mua xe của khách chậm lại, thêm chuyện dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều người không muốn đến showroom", Tuấn cho biết.
Sau tháng 1/2020 với sức mua giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ xe hơi trong tháng 2 khởi sắc hơn với con số 17.616 xe, tăng 11%. Trong đó mảng xe du lịch giảm 3%, xe thương mại tăng 74% và xe chuyên dụng tăng 49% so với tháng trước đó. Nếu so với tháng 2/2019, doanh số bán ra của ôtô tăng 41%.
Tuy nhiên, doanh số cộng dồn hai tháng đầu 2020 (31.908 xe) ghi nhận mức giảm chung 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng xe du lịch (loại 9 chỗ trở xuống) giảm mạnh nhất với 30%. Mức giảm này đến từ việc đồng loạt các thương hiệu bán xe du lịch đều sụt giảm doanh số, trừ Isuzu. TC Motor, hãng lắp ráp, phân phối thương hiệu ôtô Hyundai trong hai tháng đầu 2020 bán 10.276 xe, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 2/2019 là thời điểm có quãng nghỉ Tết nguyên đán, sức mua của tháng 2/2020 tăng so với trước đó là lẽ thường. Tuy nhiên, mức sụt giảm khi cộng dồn doanh số tiêu thụ xe hơi hai tháng qua là điểm đáng chú ý trong bối cảnh thị trường không có biến động về chính sách, các hãng chạy đua giảm giá.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm sức mua của thị trường, giám đốc phụ trách marketing của một hãng xe Nhật cho rằng: "Sau Tết sức mua thường chậm lại, nhưng quan trọng hơn là ở thời điểm này, lượng khách đến đại lý xem xe, giao dịch giảm hẳn. Nhân viên bán hàng khó thuyết phục gặp khách để tư vấn, chốt giá. Đó là về phía đại lý. Còn về phía khách hàng, tâm lý e ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại, thêm tâm lý tích trữ chờ qua mùa dịch làm quyết định mua xe của họ, nếu có, cũng tạm hoãn".
Đồng quan điểm, đại diện một hãng xe Nhật khác cho biết: "Tình hình dịch bệnh đang kéo mọi thứ chậm lại, xe bán chậm cũng là lẽ đương nhiên". Vị này nói rằng, kinh tế giảm thì những nhu cầu liên quan như mua sắm, đi lại cũng bị ảnh hưởng. "Nhưng để thấy rõ hơn việc dịch bệnh có tác động đến thị trường ôtô hay không phải chờ thêm một, hai tháng nữa".
Thành Nhạn