Tại Nhật, những người làm công ăn lương trong các công ty có ý thức tự hào cộng đồng cũng quan trọng như tiền lương. Năm ngoái, Carlos Ghosn có thu nhập 16,9 triệu USD (8,4 triệu USD từ Renault, 6,5 triệu USD từ Nissan và 2 triệu USD từ Mitsubishi). Con số này cao gấp 11 lần so với người đồng cấp ở Toyota, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn 21,96 triệu USD mà General Motors trả cho CEO Mary Barra.
Năm 2008, luật pháp Nhật Bản yêu cầu các công ty công khai mức lương của giám đốc trong báo cáo hằng năm. Các cổ đông của Nissan đã bỏ phiếu và đưa ra mức trần tổng tiền lương dành cho tất cả các giám đốc hội đồng là 27 triệu USD.
Tại cuộc họp thường niên diễn ra hồi tháng 6, Ghosn nhấn mạnh với các cổ đông, chính sách bồi thường của công ty "được thiết kế để thưởng cho hiệu suất làm việc cao, thu hút, thúc đẩy và duy trì khả năng quản lý tốt nhất trong nền công nghiệp ôtô". Ông cũng cho biết, trong khi Nissan đang cố gắng khen thưởng cho quản lý cấp cao thì công ty vẫn duy trì chính sách tài chính rất kỷ luật. Tuy nhiên, sau đó Ghosn tuyên bố rằng ông không được trả lương xứng đáng. Các phương tiện truyền thông và Nissan đưa ra các tài liệu cơ bản để chứng nhận ông kiếm được ít hơn đáng kể so với các đối tác của mình tại các nhà sản xuất ôtô toàn cầu khác.
Cũng trong tháng 6, trả lời câu hỏi của Financial Times về việc nếu được trả lương cao hơn thì sao, ông cười lớn: "Bạn sẽ không thể có được phát biểu của một vị CEO. Vì tôi đã trả lời rất nhiều lần".
Sắp xếp nhân viên và làm việc lố bịch tại Nhật Bản
"Ngay cả khi là một công ty đa quốc gia, dấn ấn của đất nước khai sinh có trụ sở chính vẫn phải được giữ lại", giáo sư Sanford M. Jacoby cho biết. Ông hiện đang làm việc tại trường đại học California (Los Angeles), là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Ông nói, người Nhật, ưu tiên vào các chính sách bình đẳng của chính phủ, sau đó mới đến lương và những thứ khác.
Tại Pháp, nơi chính phủ sở hữu 15% cổ phần của Renault, các cổ đông cũng có những vấn đề với việc trả lương cho Carlos Ghosn. Martin-Henri Leroy, người đứng đầu Proxinvest, một nhóm cố vấn cổ đông của Pháp cho biết: "Chúng tôi tin rằng bất cứ ai kiếm được thu nhập cao gấp 240 lần so với mức lương tối thiểu của nhân viên đều nằm ngoài tầm kiểm soát".
Vào tháng 10, một nguồn tin từ Nissan tiết lộ, họ có bằng chứng cho thấy Ghosn đứng sau việc thiết kế ra hai khoản lương dành cho mình tại đây. Nguồn tin cũng cho biết, Ghosn hướng dẫn cho Greg Kelly, một phụ tá, thành viên hội đồng quản trị và cùng một nhóm nhỏ những người thân tín tại Nissan để làm điều này.
Trong đó, một khoản tiền được thanh toán hằng năm và sẽ được liệt kê trong báo cáo hằng năm của công ty. Khoản còn lại sẽ thanh toán sau khi Ghosn rời khỏi Nissan, nguồn tin nội bộ công ty này tiết lộ. Những phát hiện này sau đó được báo với Hiroto Saikawa, giám đốc điều hành hiện tại, khi đó đang là kiểm toán viên nội bộ.
Nissan sau đó đến gặp các công tố viên với cáo buộc Carlos Ghosn đã làm việc trực tiếp với ông Kelly, cựu trưởng phòng nhân sự của Nissan, để đánh giá thấp thu nhập của ông từ trong gần 10 năm 2009 - 2017. Cuộc điều tra của Nissan phát hiện ra rằng việc báo cáo thiếu đã xảy ra khi một số khoản bồi thường đã được chi trả như cam kết lại không được kê khai.
Nissan nói với các công tố viên rằng họ có bằng chứng việc Ghosn và Kelly phát triển kế hoạch trả cho Ghosn thêm 124 triệu USD tiền mặt và bằng các công cụ tài chính khác. Một số trong đó là khoản bồi thường cho vị trí cố vấn trong tương lai cho ông Ghosn.
Hari Nada, một giám đốc điều hành của Nissan và là bạn tâm giao của Kelly, đã mua vé một chuyến bay khác để đưa Kelly từ Nashville đến Tokyo tham gia cuộc họp hội đồng quản trị mà Ghosn cũng dự định tham dự. Tuy nhiên, thực tế là hai người bị bắt cách nhau vài giờ trước khi cuộc họp diễn ra. Gia đình Kelly cho biết Nada đảm bảo rằng ông ấy sẽ trở lại ở Colombia vào Lễ Tạ ơn và có thể phẫu thuật cổ theo kế hoạch.
Nissan cho biết, họ không có bình luận gì về những tuyên bố của gia đình Kelly. Nada cũng từ chối bình luận và không trả lời các cuộc điện thoại sau đó. Tuy nhiên, Kelly đã được thả về vào dịp Giáng sinh vừa qua sau khi được gia đình chứng minh tình hình sức khỏe không tốt và bảo lãnh khoản tiền 70 triệu Yên (tương đương 640.000 USD). Luật sư của Kelly Nashville, ông Aubrey Harwell cho biết, thân chủ của ông phủ nhận các hành vi sai trái. Ông và Ghosn "đã có cuộc trao đổi liên quan đến những cách thức hợp pháp để trì hoãn việc bồi thường", Harwell chia sẻ.
Ghosn, Kelly và Nissan đều phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật báo cáo tài chính. Hội đồng quản trị công ty đã cắt chức Ghosn và Kelly làm giám đốc đại diện, các vị trí khác có quyền ký các văn bản công ty.
32 ngày sau khi bị bắt, Ghosn có khả năng được tại ngoại, tuy nhiên chính quyền Nhật Bản vẫn giữ ông lại bởi các cáo buộc mới rằng ông đã chuyển các khoản lỗ cá nhân trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vào sổ sách của Nissan. Mới đây, tòa án đã gia hạn lệnh tạm giam Ghosn đến ngày 11/1.
Có thể Ghosn lừa dối các nhà quản lý để làm giàu cho bản thân, điều này dường như đi trái với chuẩn mực văn hóa của Nhật Bản. Công chúng ở đất nước này dễ tha thứ cho một công ty biết bảo vệ nhân viên, nơi mà các vị giám đốc luôn bảo vệ cho công ty. Giáo sư Seijiro Takeshita, trưởng khoa Quản lý và Thông tin tại Đại học Shizuoka cho biết: "Dù không có một văn bản cụ thể nào nói về điều này. Nhưng ‘Ok, bạn đã sai nhưng bạn làm điều đó vì công ty’ và công chúng Nhật thừa nhận điều đó, sau đó họ tha thứ cho bạn".
Hay như Jesper Koll, người đã làm việc tại Nhật trong hàng chục năm với tư cách là nhà kinh tế học, người đứng đầu các khoản đầu tư của WisdomTree ở Tokyo, nói: "Một điều mà Nhật Bản không muốn và sẽ không bao giờ dung thứ là lòng tham cá nhân".
*Đón đọc phần tiếp theo ngày 9/1: Những ngày sống trong tù của Carlos Ghosn
Anh Vũ lược dịch
Theo The New York Times