Điều hành liên minh sản xuất ôtô lớn nhất thế giới Renault-Nissan-Mitsubishi, Ghosn liên tục đi lại giữa các châu lục, dành rất nhiều thời gian ở khoang hạng nhất phi cơ. Với khối công việc khổng lồ, ông suy nghĩ nhiều và thường xuyên mất ngủ. Nửa đêm, khi thuốc an thần Melatonin không còn tác dụng, ông gọi điện cho con. Cũng có lúc, Ghosn chọn cách đi dạo một mình trên những con phố tại Tokyo hay Paris. Ở tuổi 64, Carlos Ghosn đã khá mệt mỏi, có dự định nghỉ hưu trong thời gian tới, NYTimes viết.
Tháng 11/2018, ngay trước Lễ tạ ơn, ông tới Tokyo, có hẹn gặp con gái út và gặp bạn trai của cô. Bên cạnh đó, lịch công tác của chuyến đi còn một cuộc họp với hội đồng quản trị. Theo lịch trình, ông sẽ hạ cánh xuống sân bay Haneda lúc 16h.
Maya Ghosn, con gái út, 26 tuổi, dành phần lớn thời thơ ấu tại Nhật. Cô muốn giới thiệu bạn trai Patrick với ông. Giới thiệu bạn trai với gia đình là một nghi thức phổ biến, tuy nhiên lại khá khó khăn khi làm con gái CEO nổi tiếng lãng mạn và khó tính bậc nhất thế giới. Maya Ghosn đặt bữa tối lúc 19h30 tại Jiro, nhà hàng sushi được gắn sao Michelin dưới tầng hầm tại quận Ginza.
Trong lúc ra đường băng tại sân bay Beirut (Lebanon), Ghosn mở WhatsApp và nhắn tin vào nhóm chat "Game of Ghosn" bao gồm bốn đứa con của mình với nội dung "Bố đang bay đến Tokyo nhé! Yêu các con!". Tên nhóm chat được đặt theo bộ phim truyền hình yêu thích của ông trên HBO là Game of Thrones – Trò chơi vương quyền. Tin nhắn được gửi đi ngay trước khi máy bay cất cánh.
Ghosn đã không thể tham dự bữa tiệc như lời hứa.
Ngày 19/11, các công tố viên Nhật Bản bao vây chuyên cơ Gulfstream của Ghosn và bắt ông ngay khi máy bay hạ cánh. Họ cáo buộc, theo báo cáo tài chính của Nissan, ông đã sử dụng hàng triệu USD của công ty trong nhiều năm vì mục đích cá nhân.
Trong khi đó, Maya Ghosn đang ở tại căn hộ của cha mình. Một lúc sau, người lái xe lâu năm đến thông báo rằng có thể chuyến bay của ông bị hoãn. Cô nhắn lại: "Con nghe nói chuyến bay bị hoãn, hãy cho con biết thời gian máy bay hạ cánh, con đang khá lo lắng".
Sau thời gian dài chờ máy bay mệt mỏi, cô chợp mắt và chỉ tỉnh dậy khi Patrick đánh thức, thông báo rằng anh ấy thấy một dòng Tweet đề cập đến việc cha của cô bị bắt. "Tôi thật sự rất sốc", Maya Ghosn chia sẻ.
Vài phút sau, chuông cửa reo. Hai người đàn ông Nhật Bản trong bộ vest đen đến nhà và đưa cho cô một mẩu giấy có dòng ghi chú ngắn bằng tiếng Anh.
"Cha cô vướng vòng lao lý". Hai người này cho biết: "Các thẩm phán Tokyo bảo lãnh chúng tôi kiểm tra căn hộ. Chúng tôi cần một nhân chứng. Cảm ơn cô đã hợp tác".
Tiếp sau đó, 15 người cũng trong bộ vest đen theo sau. Họ khóa cửa trước, nói với Maya Ghosn rằng họ là công tố viên, cảnh báo hai người không sử dụng điện thoại và đề nghị ở lại căn hộ. Các công tố viên tìm kiếm trong ngăn kéo của ông Ghosn, xem ảnh, bảng điểm lớp của 10 Maya, thư cá nhân, giấy chứng nhận ly hôn của vợ chồng ông.
Maya nói rằng cô run rẩy khi chứng kiến căn phòng của cha bị kiểm tra. "Tôi muốn bố tôi biết rằng trong tình huống đó, tôi đã lịch sự và xử lý như một người trưởng thành. Tôi không muốn họ thấy được sự buồn bã trong ánh mắt của mình". Cô cũng nói tiếp: "Tuy nhiên, thực ra lúc đấy tôi rất run. Tôi không thể đứng vững được nữa và phải bám vào tường nhà". Hơn 6 tiếng sau, họ rời đi. Lúc đấy đã là 23h30.
Lo lắng về việc các công tố viên đặt máy ghi âm trong nhà sau khi rời đi, cô và Patrick vào phòng tắm, cẩn thận bật vòi hoa sen rồi mới trao đổi với nhau bằng âm thanh chỉ vừa đủ nghe. Cô gọi cho các anh chị em của mình để tìm cách giải quyết với hệ thống luật pháp khó hiểu như mê cung của Nhật Bản.
Chính quyền sở tại cấm cô liên lạc với cha mình. Maya đã ở căn phòng đó hai ngày liền mà không thể nói chuyện với bố cho đến khi một luật sư người Mỹ làm việc cho gia đình gọi điện. Cô chia sẻ, "chúng tôi được hướng dẫn rõ ràng về cách để rời khỏi đó càng sớm càng tốt, tránh việc bị giam giữ để thẩm vấn hoặc tống tiền cha mình". Không lâu sau đó, Maya cũng có chuyến bay đầu tiên.
"Người đàn ông ở trên mây"
Carlos Ghosn được biết đến là người thành công tại Nhật Bản, nhưng không ngờ cũng có ngày thất bại. Ông gây ấn tượng lần đầu tiên vào năm 1999 ở một quốc gia nổi tiếng về việc không tin tưởng vào người ngoài như Nhật Bản. Một kỹ sư quốc tịch Pháp, gốc Lebanon, sinh ra tại Brazil, xuất hiện trong bộ suit kẻ sọc và chiếc kính râm với nhiệm vụ tái thiết Nissan theo phong cách Mỹ.
Hãng xe ôtô Nhật Bản lúc đó đang nợ 35 tỷ USD, lực lượng lao động cồng kềnh, sản xuất ra những chiếc xe mà không ai thích thú dù là đi thuê. Carlos Ghosn, khi đó 45 tuổi và là phó chủ tịch của Renault, đồng ý chi 5,4 tỷ USD để mua 36,8% cổ phần của Nissan Motors.
Nhà phân tích ôtô hàng đầu tại Merrill Lynch, John Casesa khuyên Ghosn nên thuê một căn hộ tại Tokyo thay vì đi mua. John Casesa có viết: "Nhiều người nói rằng ông sẽ thất bại. Nissan không đáng để đầu tư và điều ông muốn sẽ không thể thực hiện được". Thậm chí, phó chủ tịch của General Motors, ông Bob Lutz từng ví von rằng Renault nên lấy lại 5 tỷ USD, đưa lên xà lan và nhấn chìm xuống biển.
Nhưng Carlos Ghosn với đôi lông mày đen và bộ ngực căng tràn khí thế không hề nản lòng. Ông đóng cửa các nhà máy, cắt giảm các nhà cung cấp, sa thải 14% lực lượng lao động và đầu tư vào thiết kế. 6 năm sau, Nissan vượt qua Honda để trở thành nhà sản xuất ôtô số hai Nhật Bản. Vốn hóa thị trường tăng gấp đôi và biên độ hoạt động tăng gấp 10 lần. Những chiếc xe như sedan Altima, bán tải Titan và SUV Murano đã biến Nissan trở thành một công ty lớn tại thị trường Mỹ - thành tựu mà Wall Street từng coi là không thể làm được.
Đến đầu những năm 2000, Ghosn trở thành người đứng đầu liên minh Renault – Nissan. Ông cũng là người đầu tiên đồng thời đảm nhiệm vị trí CEO tại hai tập đoàn nằm trong danh sách Fortune Global 500. Đây là danh sách 500 công ty lớn nhất trên toàn cầu tính theo doanh số được biên soạn và công bố hằng năm bởi tạp chí Fortune.
Thời báo New York Times ví von rằng, đây là các công ty mà dù không thể phát âm được tên nhưng ai cũng biết các sản phẩm mà công ty đó tạo ra. Vì vậy, việc Carlos Ghosn đồng thời là CEO của hai công ty thuộc nhóm này là một trong những thước đo thuyết phục cho tài năng và sự thành công của ông.
Carlos Ghosn được gọi là "Người bí ẩn gaijin", trong đó gaijin là cách mà người Nhật gọi người nước ngoài. Ông đã đạt được vị thế mà không nhiều CEO làm được, ít nhất là ở Nhật Bản. Ông trở thành biểu tượng thành công ở Nhật Bản, paparazzi xuất hiện mọi nơi, người hâm mộ xin chữ ký. Nhiều doanh nhân cố gắng mô phỏng giống người đứng đầu Nissan, họ còn tìm mua kính râm chữ nhật và bộ suit kẻ sọc giống của Ghosn.
Năm 2004, Nhật hoàng Akihito tặng Huân chương danh dự Blue Ribbon cho những đóng góp phi thường của ông. Carlos Ghosn trở thành nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên nhận được danh hiệu này tại Nhật Bản. Ông nổi tiếng tới mức, một bộ truyện tranh manga có tên "Những câu chuyện thật về Carlos Ghosn" được xuất bản, xưng danh ông như một anh hùng đi lên từ bóng tối đến từ một đất nước xa xôi. Ở Lebanon, ông được chọn làm nhân vật trên những con tem bưu chính.
Bên cạnh người hâm mộ vẫn xuất hiện những người chế giễu sự thành công của ông. Ngay từ đầu, ông phải đối mặt với sự nghi ngờ từ những nhà xây dựng chính sách Nhật Bản. Ý tưởng của một người ngoài cuộc mang chủ nghĩa tư bản thị trường tự do cho văn hóa doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa của Nhật đã gặp phải sự phản ứng gay gắt.
"Khi một vị tướng như MacArthur xuất hiện sau Thế chiến thứ II, người Nhật mới đầu hàng trước sự lãnh đạo của mình", một cựu giám đốc điều hành của Nissan đã nghỉ hưu nói với Newsweek.
Carlos Ghosn xuất hiện tại nhà xưởng với một bộ đồ liền thân màu trắng. Nhiều người cho rằng, ông đang muốn khoe vẻ lộng lẫy của mình. Những kẻ ác ý còn nói điều này hiện thân cho sự độc đoán của Ghosn, vốn không phù hợp với văn hóa khiêm tốn của Nhật Bản. Năm 2004, ông đã đâm phải một chiếc xe máy khi lái chiếc Porsche tại Roppongi, đây được xem như thiên đường của người giàu nước ngoài tại Tokyo. Cặp vợ chồng ngồi trên xe bị thương nhẹ, truyền thông Nhật Bản nói rằng ông không chạy một chiếc Nissan.
Sau đó, Carlos thể hiện sự quân phiệt của một nhà lãnh đạo với việc cắt giảm tới 21.000 lao động. Kể từ đó ông mang biệt danh Le Cost Killer (Người cắt giảm chi phí). Năm 2016, Carlos Ghosn chi 200 triệu USD để trở thành nhà tài trợ cho thế vận hội Olympic Rio tại quê nhà Brazil. Ông cũng tham gia vào quá trình rước ngọn đuốc biểu tượng tại kỳ Olympic này.
Năm 2017, ông đã trả cho hai nghệ sỹ Lebanon 888.000 USD để tạc một bức tượng có tên "Bánh xe đổi mới", đặt tại sảnh của trụ sở Nissan ở Yokohama, Nhật Bản. Cùng năm đó, ông cũng tổ chức đám cưới thứ hai xa hoa tại Cung điện Versailles với trang phục theo chủ đề Marie Antoinette cùng rất nhiều bánh ngọt.
"Ông ấy là một người ở trên mây", Yuichi Ishino, một người làm việc tại bộ phận tài chính của Nissan giai đoạn 2002-2005 cho biết. Anh cũng nói thêm: "Không ai dám nói gì đối đầu với ý kiến của ông ấy".
* Đón đọc phần tiếp theo ngày 8/1: Vấn đề khó khăn nhất luôn là việc trả lương cho Carlos Ghosn.
Anh Vũ lược dịch
Theo The New York Times