Liên minh châu Âu (EU) có tới 4 dạng thiết bị chống chạy quá tốc độ, và các hãng sản xuất ôtô có thể chọn một trong số này để lắp đặt trên sản phẩm của mình. Mỗi hệ thống cảnh báo có những tính năng khác biệt, với sự can thiệp khác nhau.
Theo đó, một số xe sẽ ghi nhận giới hạn tốc độ thông qua các camera nhận diện tín hiệu giao thông hoặc qua dữ liệu GPS, cảnh báo tài xế qua âm thanh nếu xe chạy quá tốc độ cho phép. Cùng công nghệ này, một số xe khác lại tạo ra độ rung ở những vị trí tiếp xúc với tài xế.
Hai hệ thống còn lại dựa vào độ căng của chân ga để dẫn tới những can thiệp vào hệ thống điều khiển. Cụ thể, nếu tài xế chạy quá tốc độ, hệ thống sẽ tự động giảm áp lực vào chân ga, thậm chí ngắt lực tác động vào chân ga khi xe đã đạt đến tốc độ giới hạn.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng các tài xế đều có thể khống chế được cả 4 hệ thống trên, đơn giản là bỏ qua cả cảnh báo về âm thanh cũng như các rung động, hay đạp ga mạnh hơn.
Thực tế, EU không muốn những công nghệ này quyết định thay con người khi lái xe. Các hệ thống ISA chủ yếu mang ý nghĩa như những lời nhắc nhở thay vì là các công cụ hạn chế.
Công nghệ chống chạy quá tốc độ cũng thể hiện nỗ lực giảm số vụ tai nạn và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Những phân tích từ Ủy ban An toàn Giao thông châu Âu (ETSC) ước tính công nghệ này sẽ giảm tỷ lệ chạy quá tốc độ 30% và tỷ lệ tử vong là 20%.
ISA sẽ được trang bị trên mọi mẫu xe mới ra mắt ở châu Âu từ sau 22/7 và là công nghệ phải có trên mọi xe mới bán ra từ 7/2024.
Mỹ Anh (theo Autoweek)