Ingrid, một người giúp việc ở Anh, đang chăm sóc cậu bé mắc hội chứng Down có tên Tom vào cuối tuần, kể cả ban đêm. Việc phải thức đêm để trông coi khiến Ingrid mệt mỏi. Cô bắt đầu nhờ đến công nghệ, ví dụ lắp chuông báo trước cửa phòng ngủ để biết khi nào Tom ra ngoài, cho cậu đeo "bảng nói chuyện", trên đó có một số nút bấm, như lấy nước cam hoặc báo mình đang đói. Nhờ vậy, Ingrid có thêm thời gian để nghỉ ngơi ban đêm.
Những công cụ như chuông báo động hay bảng nói chuyện còn thô sơ, nhưng sự tiến bộ của công nghệ chăm sóc được đánh giá sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của những người như Tom và Ingrid thời gian tới.
Nhiều công ty bắt đầu phát triển sản phẩm để phục vụ người dùng. ElliQ là bot giúp việc tích hợp AI với thiết kế giống một chiếc đèn ngủ. Khác với những trợ lý ảo như Alexa hay Siri chờ lệnh thoại, ElliQ chủ động giao tiếp người dùng. Nó có thể tìm hiểu nhu cầu hàng ngày của chủ nhân, đưa ra lời nhắc nhở hay lời khích lệ kịp thời.
Trong khi đó, Pepper, robot hình nửa người cho mục đích trò chuyện, hướng dẫn các bài tập hoặc trò chơi, đang được chính phủ Nhật Bản khuyến khích sử dụng. Ursine Robear, một sáng tạo khác từ Nhật Bản, ngoài tương tác với người dùng còn có khả năng nâng người từ giường lên xe lăn, phù hợp cho người già neo đơn hoặc những ai ở một mình.
Madeleine Starr, Giám đốc phát triển và đổi mới của tổ chức Carers UK, đánh giá cao tiềm năng của công nghệ trong việc chăm sóc gia đình. "Công nghệ có thể giảm bớt áp lực, mang lại cho người chăm sóc sự an tâm", Starr nhận xét.
Tuy nhiên, theo chuyên gia James Wright của Viện Alan Turing, các công nghệ hỗ trợ gia đình giờ không chỉ còn là viễn tưởng nhưng cũng không như kỳ vọng. Sau khi dành thời gian một năm rưỡi để nghiên cứu các bot chăm sóc gia đình ở Nhật Bản, ông kết luận rằng "khả năng thực tế của chúng kém xa kỳ vọng, vốn được định hình bởi những hình ảnh được thổi phồng".
Theo Wright, người dùng ban đầu hào hứng với robot giúp việc, nhưng chỉ một thời gian sau, chúng "bị nhốt trong tủ đồ và hiếm khi được kích hoạt trở lại".
Thực tế, không ít công ty đã ngừng phát triển sản phẩm chỉ sau thời gian ngắn. SoftBank, hãng đứng sau Pepper, đã dừng sản xuất robot này từ 2021 với lý do nhu cầu yếu. Wright nhận thấy robot gia đình giúp giảm công việc cho người sử dụng, nhưng lại tạo ra nhiều việc hơn cho những người khác để bảo trì, giám sát và vận hành chúng.
"Robot giúp việc có vẻ không phải là giấc mơ giúp tiết kiệm sức lao động", tiến sĩ Kate Hamblin của tổ chức Centre for Care, nói. "Bối cảnh sử dụng rất quan trọng. Chúng có thể hỗ trợ chăm sóc người khác, nhưng cũng có thể tạo thêm nhiều thứ phức tạp hơn, thậm chí gây thất vọng nếu thiết kế và công năng kém".
Giáo sư Shannon Vallor, hiện công tác tại Edinburgh Futures Institute, cho rằng giới công nghệ dường như đã quá tập trung vào tiện ích do robot giúp việc mang lại, nhưng quên mất tác động tiêu cực mà nó có thể tạo ra. Bên cạnh đó, ở khía cạnh đạo đức, con người chăm sóc nhau sẽ "trau dồi sự đồng cảm" - điều mà các cỗ máy không có.
Theo Vallor, robot chỉ nên là công cụ hỗ trợ, chẳng hạn sử dụng trong các công việc lặp đi lặp lại hơn là thay thế hoàn toàn. "Việc chăm sóc một người trong những hoàn cảnh không phù hợp có thể khiến họ cạn kiệt sức mạnh cảm xúc và những phản ứng đồng cảm", Vallor nói thêm.
Bảo Lâm (theo Guardian)