Lớn lên ở vùng nông thôn bang Mississippi, Oprah Winfrey từng phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây vì gia đình nghèo khó. Bà sống ở trang trại của bà ngoại và thường bị đánh đập, trong khi người mẹ tuổi teen chưa cưới chồng đi tìm việc làm. "Tôi lớn lên trong một môi trường mà trẻ em tồn tại nhưng không được lắng nghe", Winfrey tâm sự.
Nữ hoàng truyền hình Mỹ cho biết, bà từng bị bà ngoại đánh chỉ vì nghịch nước. "Tôi múc nước ở giếng cho vào một cái xô, rồi cho tay vào đó nghịch. Bà ngoại tôi đã trông thấy và đánh tôi đau đến mức những vết lằn trên lưng tôi rỉ máu. Tôi mặc váy và máu ở lưng đã thấm ra váy. Bà tôi rất khó chịu vì điều đó và tôi lại bị đánh", bà kể.
Nhưng cuộc sống của Winfrey sau đó vẫn chưa hết khổ đau. Trong một bài phát biểu tại Đại học Ball, bang Indiana năm 2012, bà chia sẻ từng bị hãm hiếp khi mới 9 tuổi.
"Kẻ hiếp dâm đưa tôi đến một cửa hàng kem và mua kem cho tôi, trong khi máu vẫn chảy xuống chân của tôi", Winfrey nhớ lại. Chuyện này xảy ra sau khi bà chuyển tới sống cùng mẹ tại một nhà trọ ở Milwaukee lúc 6 tuổi.
Cô bé Winfrey đã bị lạm dụng suốt từ năm 10 tuổi đến 14 tuổi, cho tới khi phát hiện có thai. Bà sau đó bị mẹ đưa tới một nhà giam. Winfrey đã trốn thoát và chuyển tới Nashville, bang Tennessee sống cùng bố.
Hai tuần sau khi sinh, đứa con của Winfrey chết. Trải nghiệm đau đớn này đã thay đổi cuộc sống của bà mãi mãi. Bà và bố xem đây chính là cơ hội để làm lại cuộc đời. "Tôi thực sự cảm thấy như thể đứa bé đã mang đến cho tôi cơ hội của cuộc sống mới", bà nói.
Cha của Winfrey đã định hướng và đưa cuộc sống của bà vào khuôn khổ. Ông yêu cầu bà đọc sách và viết báo cáo về cuốn sách đã đọc mỗi tuần. "Ông ấy sợ rằng tôi không thể tận dụng tốt nhất cuộc sống của mình cũng như sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì nếu không cho rằng nó tốt nhất cho tôi", Winfrey kể.
Tất cả những nỗ lực của cả hai đã được đền đáp. Winfrey đã giành được học bổng toàn phần của Đại học bang Tennessee. Tuy nhiên, năm 19 tuổi, bà bỏ dở con đường học hành để theo đuổi sự nghiệp truyền thông, gia nhập đài truyền hình địa phương với vai trò phóng viên và người dẫn chương trình. Đây chính là quyết định tạo nên bước ngoặt cuộc đời người phụ nữ này.
Winfrey đã chuyển tới Baltimore năm 1976 để gia nhập hãng tin WJZ-TV với vai trò MC. Tại đây, bà đã trở thành người đồng tổ chức chương trình talk show đầu tiên có tên People Are Talking. Bà cũng tìm thấy niềm đam mê của mình và tiếp tục biến một chương trình buổi sáng kém thu hút ở Chicago thành chương trình lớn nhất trong thành phố vào năm 1985, sau đó đổi tên thành Chương trình của Oprah Winfrey.
Bà sau đó thành lập Harpo Productions và nắm quyền sở hữu toàn bộ hãng sản xuất này. Đây là một thành công lớn, mang lại 300 triệu USD mỗi năm vào thời kỳ đỉnh cao nhất. Từ đó, bà lấn sân sang mảng phim, phim truyền hình và kịch.
Bà xuất bản tạp chí của riêng mình và thành lập một đài phát thanh. Winfrey thậm chí còn được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong bộ phim truyền hình The Colour Purple năm 1985.
Ngoài nữ hoàng truyền hình, Winfrey còn được biết đến với các danh hiệu như người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế kỷ 20, tỷ phú da màu đầu tiên của Bắc Mỹ, cũng như được đánh giá là nhà từ thiện da màu vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Năm 2007, bà từng được đánh giá là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới, theo Wikipedia.
Bất chấp những cơ cực, đau khổ trong suốt tuổi thơ, Winfrey đã cho thấy nghị lực sống và sự nỗ lực không ngừng nghỉ để trở thành một người thành công.
"Mỗi người đều có một câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện của bạn cũng có giá trị và quan trọng như câu chuyện của tôi", bà nói. "Câu chuyện của tôi chỉ giúp định nghĩa và định hình chính tôi như cách mà câu chuyện của mỗi người đã làm".
Thanh Tâm (Theo NZHerald)