Theo Nikkei, Oppo sẽ đảm nhiệm vai trò thiết kế chip mới, còn việc sản xuất sẽ do TSMC phụ trách. Dự kiến, chip được xây dựng trên tiến trình 3 nm, ra mắt năm 2023 hoặc 2024 tùy theo tiến độ nghiên cứu và được trang bị trên các dòng smartphone cao cấp.
Oppo là nhà sản xuất điện thoại mới nhất tham gia cuộc đua tự chủ chip trên smartphone, sau Apple, Samsung, Huawei và Google.
Một số chuyên gia đánh giá, động thái của Oppo giúp công ty kiểm soát thành phần cốt lõi và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bán dẫn nước ngoài như Qualcomm hay MediaTek. Việc tự làm chip cũng có thể giúp công ty Trung Quốc chủ động hơn với chuỗi cung ứng, phần nào tránh được tình trạng thiếu hụt và gián đoạn chip trên diện rộng như hiện tại.
Oppo đã tăng cường đầu tư vào mảng bán dẫn từ năm ngoái, khi Mỹ thực hiện hàng loạt lệnh cấm nhằm vào Huawei. Công ty đã thuê nhiều chuyên gia về chip và AI hàng đầu từ MediaTek, Qualcomm và Huawei, cũng như nỗ lực tuyển dụng nhân tài từ Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, hãng cũng đang tự phát triển thuật toán AI và bộ xử lý tín hiệu hình ảnh tùy chỉnh trên máy ảnh cho smartphone. Trước đó, Xiaomi và Vivo cũng ra mắt bộ phận xử lý tín hiệu hình ảnh cho điện thoại, trong bối cảnh thiết bị di động cần nhiều hơn các tính năng ảnh và video nâng cao.
Theo Eric Tseng, nhà phân tích của Isaiah Research, cuộc đua tự làm chip xử lý sẽ giúp các hãng smartphone kiểm soát công nghệ lõi nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm rủi ro nhất định, như khả năng hoạt động có thể kém ổn định hơn so với các sản phẩm đã có tên tuổi. "Đó là lý do chúng ta thấy không nhiều công ty mạnh dạn tự sử dụng vi xử lý của riêng mình. Họ đều bắt đầu từ việc phát triển chip xử lý tín hiệu hình ảnh trước", Tseng nói.
Brady Wang, nhà phân tích của Counterpoint, cũng đánh giá việc tự sản xuất chip khá mạo hiểm. "Chúng tôi vẫn chưa thấy trường hợp thành công nào khác ngoài Apple, Huawei và Samsung", Wang nhận xét. "Rốt cuộc, công cuộc tự chủ chip cần nhân lực lớn, khả năng xử lý hệ thống phức tạp và cần nhiều tiền cho nghiên cứu, sản xuất".
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)