Theo The Information dẫn số liệu và hai nguồn nội bộ cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của ChatGPT đóng góp phần lớn vào doanh thu OpenAI. Mức tăng 300 tỷ USD (tương đương 20%) trong hai tháng cuối cho thấy công ty không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lãnh đạo hồi tháng 11.
Theo số liệu của Fortune đầu năm nay, OpenAI có thời gian dài lỗ nặng dù đã chuyển từ tổ chức phi lợi nhuận sang công ty kinh doanh. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 30 triệu USD nhưng tiêu tốn đến 416,45 triệu USD chi phí máy chủ và xử lý dữ liệu, hơn 89 triệu USD lương nhân viên và 39 triệu USD cho các chi phí hoạt động khác. Do đó, công ty lỗ 544,5 triệu USD. Đa số nguồn kinh phí duy trì hoạt động đến từ khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD từ Microsoft.
OpenAI hiện đứng sau nhiều mô hình AI tạo sinh nổi tiếng, như ChatGPT có khả năng trả lời câu hỏi theo ngôn ngữ tự nhiên, hay Dall-E có thể tạo ảnh từ văn bản. Công ty cho sử dụng miễn phí ChatGPT dùng mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5; nhưng thu phí 20 USD mỗi tháng với mô hình GPT-4. Công ty cũng cung cấp các gói API của ChatGPT cho bên thứ ba.
Biến cố lớn nhất của OpenAI năm nay liên quan đến việc sa thải nhà đồng sáng lập và CEO Sam Altman ngày 17/11. Nhưng đến 20/11, hơn 700 nhân viên công ty đồng loạt viết thư dọa nghỉ việc, nếu Altman không quay về. Ngày 22/11, OpenAI đàm phán với Altman, đưa ông trở lại vị trí CEO.
Trong các sự kiện trước đây, Altman nhiều lần nhắc đến nguy cơ của AI, như công nghệ này gây nỗi lo về thông tin sai lệch, cú sốc kinh tế, hoặc thứ gì đó "ở mức độ vượt xa bất cứ những gì con người đã chuẩn bị". Ông cũng thừa nhận đã sốc vì ChatGPT quá phổ biến.
Bảo Lâm