Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 3/12 cho biết chính sách kiềm chế sản xuất hiện tại sẽ được nới lỏng từ ngày 1/1 cho các thành viên OPEC và đồng minh. "Bắt đầu từ tháng 1/2021, OPEC+ quyết định điều chỉnh tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng dầu một ngày", thông báo cho biết.
Giới buôn dầu từng kỳ vọng liên minh OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác gia hạn cắt giảm thêm 3 tháng nữa. Giá dầu thô Brent đã tăng 27% trong tháng 11, lên cao nhất kể từ tháng 3, nhờ các tiến triển về vaccine giúp cải thiện triển vọng nhu cầu năng lượng.
Ban đầu, OPEC+ dự tính họp vào ngày 1/12. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn, do các thành viên được cho là họp riêng để thống nhất bước tiếp theo.
Trong tháng 5 và 6, OPEC+ giảm sản xuất tới 9,7 triệu thùng một ngày – tương đương 10% sản lượng toàn cầu. Các lệnh giãn cách và cấm đi lại đã gây sức ép lên nhu cầu, đẩy Brent xuống dưới 20 USD một thùng hồi tháng 4.
Những lệnh hạn chế này được nới lỏng trong tháng 8. Khi đó, OPEC+ dự tính nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng một ngày từ tháng 1.
Tuy nhiên, đại dịch sau đó tái bùng phát tại châu Âu và Mỹ, khiến nhu cầu năng lượng lại lao dốc. Giá dầu sụt giảm. Các nước sản xuất dầu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phải hạ dự báo nhu cầu năm nay và đầu năm sau.
Nhưng gần đây, các tin tức tích cực về vaccine đã kéo giá dầu lên cao trở lại. Nhu cầu dầu tại châu Á tăng và bất ổn chính trị tại Mỹ lắng dịu cũng giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan trở lại.
Dù vậy, môi trường bên ngoài trong ngắn hạn vẫn bất lợi cho dầu thô, do nguồn cung đang tăng và nhu cầu toàn cầu chưa nhích lên. Giá được dự báo quanh mức hiện tại cho đến khi máy bay, tàu hỏa và xe hơi vận hành lại với tần suất bình thường.
Hà Thu (theo CNN)