Cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngày 9/4 đã kết thúc với thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5 và 6. Tất cả các nước thành viên sẽ giảm sản xuất 23%. Saudi Arabia và Nga mỗi nước giảm 2,5 triệu thùng một ngày. Con số này của Iraq là một triệu.
Từ tháng 7 đến hết năm, mức giảm của OPEC+ là 8 triệu thùng một ngày. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2022 là 6 triệu thùng.
Hôm nay (10/4), bộ trưởng năng lượng các nước G20 cũng sẽ có cuộc điện đàm. Saudi Arabia là nước chủ trì. Reuters trích lời các nguồn tin thân cận cho biết Nga và Saudi Arabia kỳ vọng các nước ngoài liên minh này, như Mỹ, tham gia cắt giảm thêm 5 triệu thùng dầu nữa mỗi ngày. Việc giá dầu gần đây rơi tự do vì dư cung và đại dịch nhấn chìm nhu cầu nhiên liệu đã khiến các nước phải tổ chức các cuộc họp bất thường này.
Giá dầu thô Mỹ WTI hôm qua có thời điểm tăng tới 12% trước thông tin Nga và Saudi Arabia đang thảo luận cắt giảm tới 20 triệu thùng một ngày. Tuy nhiên, chốt phiên 9/4, giá vẫn đi xuống do nhà đầu tư lo ngại 10 triệu thùng vẫn là chưa đủ.
WTI mất 9,29% xuống 22,76 USD một thùng. Trong khi đó, Brent giảm 4,14% xuống 31,48 USD.
"Dù 10 triệu thùng sẽ giúp giảm áp lực cung trong ngắn hạn, nó vẫn khiến nhiều người thất vọng khi nghĩ đến dư cung khổng lồ", Bjornar Tonhaugen - Giám đốc nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy cho biết. Nhu cầu nhiên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30 triệu thùng một ngày do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn đại dịch lây lan.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)