Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 6/7 tới thăm Bulgaria, chủ yếu để gặp chính quyền thân NATO và Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Nikolai Denkov, người nhậm chức hồi tháng 6. Ông Denkov ủng hộ xuất khẩu vũ khí sang Ukraine và đang tìm cách bán thiết bị hạt nhân dân sự.
Ông Zelensky cũng gặp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và một phần cuộc đối thoại được phát sóng trên truyền hình. Ông Radev, cựu chỉ huy lực lượng không quân Bulgaria, là người có thiện cảm với Nga và thể hiện thái độ hoài nghi với NATO.
Phái đoàn hai bên ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn gỗ dài. Đoàn Ukraine giữ khuôn mặt lạnh lùng, thi thoảng nhăn mặt và ghi chép khi Tổng thống Bulgaria phát biểu.
"Tôi không đồng ý cung cấp đạn, đặc biệt từ kho dự trữ của quân đội Bulgaria", ông Radev nói với ông Zelensky. "Tôi tiếp tục khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này và việc bơm ngày càng nhiều vũ khí sẽ không giải quyết được vấn đề đó".
Tổng thống Ukraine lập tức phản đối cách ông Radev dùng từ "xung đột", nhấn mạnh rằng "đây chắc chắn là một cuộc chiến".
"Nếu chẳng may ngài rơi vào tình thế giống như tôi mà những người có chung giá trị không giúp đỡ thì ngài sẽ làm gì? Bảo Nga hãy cứ chiếm đất đi à? Không, với tư cách một tổng thống thực sự, tôi chắc chắn ngài sẽ không cho phép nhượng bộ nền độc lập của mình. Ngài có quyền không ủng hộ viện trợ cho Ukraine. Nhưng tôi thực sự muốn ngài hiểu chính xác về tôi", ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine cũng gạt bỏ đề xuất của ông Radev về giải pháp ngoại giao, nhấn mạnh rằng Nga đã phát động "cuộc chiến hủy diệt chống lại người Ukraine, không phải các quốc gia khác" và chính phủ của Thủ tướng Denkov đã đúng khi muốn cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Dù quân đội Bulgaria có nhiều vũ khí đạn dược đến đâu cũng không đủ để đối đầu với Nga. Đó là lý do nên trao vũ khí để chúng tôi có thể tự vệ và chiến sự sẽ không lan đến Bulgaria", ông Zelensky nói. "Ukraine và NATO nên có những giá trị chung. Ngài không thể ủng hộ Nga hay giữ quan điểm cân bằng vì Nga muốn hủy hoại NATO, châu Âu và EU".
Tổng thống Bulgaria có vẻ bối rối trước sự phẫn nộ của người đồng cấp Ukraine và thường nhìn xuống những tài liệu trước mặt. Radev cuối cùng nói rằng ông có một đề xuất, nhưng yêu cầu các phóng viên ra ngoài.
Mối quan hệ giữa Nga và Bulgaria, một thành viên của EU và NATO, từng rất sâu sắc khi hai nước có nhiều gắn kết về lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Dưới thời Liên Xô, liên kết này chặt chẽ đến mức Bulgaria thậm chí được gọi là "nước cộng hòa thứ 16" của Liên Xô.
Hồi tháng 11/2021, khi đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev kêu gọi phương Tây thúc đẩy đối thoại với Nga, lập luận rằng các biện pháp trừng phạt Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 không phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, Bulgaria cùng với các thành viên Liên minh châu Âu áp biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với Moskva, hỗ trợ Ukraine sửa chữa trực thăng và xe quân sự, cũng như trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga.
Dù vậy, Tổng thống Radev và thủ tướng trước đây không ủng hộ chuyển vũ khí trực tiếp cho Ukriane. Vũ khí do công ty Bulgaria sản xuất vẫn đến tay quân đội Ukraine, nhưng thông qua nước thứ ba. Hồi tháng 6, chính quyền mới của Thủ tướng Denkov thông báo đang tìm cách để nước này cung cấp vũ khí trực tiếp cho Kiev.
Tổng thống Bulgaria là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội, nhưng không có nhiều quyền hành pháp và không có ảnh hưởng lớn trong hoạt động của chính phủ. Vai trò chính của Tổng thống Bulgaria là "phân xử" những bất đồng giữa các nhánh khác nhau của chính quyền.
Huyền Lê (Theo Politico, RT)