"Mặc dù vài tháng gần đây tình hình Biển Đông có im ắng trên biển, nhưng lại xuất hiện các nhân tố mới như Trung Quốc củng cố chỗ đứng ở Trường Sa, trong đó có xây dựng ở Gạc Ma. Trung Quốc cũng đưa ra sáng kiến lớn về một vành đai và con đường tơ lụa trên biển. Tình hình mới đặt ra các đề tài mới mà các nhà nghiên cứu cần chú ý", ông Vũ Khoan, cố vấn cao cấp của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, nói tại lễ Trao giải Nghiên cứu Biển Đông 2014 chiều nay.
Theo ông Vũ Khoan, việc các nhà khoa học trẻ tìm hiểu kỹ hơn về con đường tơ lụa trên biển mà Trung Quốc đề xuất sẽ giúp Việt Nam có cách tiếp cận thích hợp, vì dự án này liên quan đến các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Việt Nam cũng cần có những khuyến nghị chính sách từ các nhà nghiên cứu về vụ kiện Philippines đưa lên Tòa án Trọng tài về đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Theo ông Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, có 8 bài viết đoạt giải Nghiên cứu về Biển Đông 2014, trong đó có ba bài xuất sắc, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng. Có ba công trình nghiên cứu đạt giải xuất sắc, dành cho 4 tác giả, mỗi cá nhân đoạt giải được trao thưởng 50 triệu đồng.
Nội dung chính của các bài viết và công trình đoạt giải xoay quanh chính sách của Việt Nam và các nước có lợi ích trong tranh chấp Biển Đông, định hướng pháp lý cho tranh chấp và khuyến nghị việc giảng dạy trong các nhà trường về tình hình ở Biển Đông.
Trung Quốc tháng 5 năm ngoái công khai ý tưởng về con đường tơ lụa mới. Trên đất liền, Bắc Kinh muốn xây dựng vành đai kinh tế, đánh thông tuyến vận chuyển từ Thái Bình Dương đến biển Baltic, hình thành vành đai kinh tế nối liền Đông Á, Tây Á và Nam Á. Phần thứ hai là con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc và Đông Nam Á, hình thành cộng đồng kinh tế, thương mại chung Á, Âu, Phi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 11/2014 thông báo nước này chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường tơ lụa nhằm tập trung xây dựng tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, sân bay xuyên qua Trung và Nam Á, nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược con đường tơ lụa của Bắc Kinh được cho là cách đối phó trực diện với chính sách tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á của Washington.
Nhằm củng cố nền tảng cho các dự án chắc chắn hơn, Trung Quốc trong tháng 10 năm ngoái cũng sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), có sự tham gia của 21 quốc gia. Mục tiêu chính của ngân hàng này là cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng châu Á. AIIB có thể coi là đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức tài chính do Nhật Bản và Mỹ thống trị. Hiện Pháp và Đức đã theo Anh nộp đơn làm thành viên của AIIB.
Việt Anh