-
17h00
Phiên chất vấn chiều nay kết thúc lúc 17h. Ngày mai thứ năm 1/11, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn từ 8h.
-
16h35
Tro xỉ than của nhà máy nhiệt điện được mua để làm vật liệu xây dựng
Đề cập đến khối lượng hơn 15,7 triệu tấn tro xỉ than của 20 dự án nhiệt điện chưa có giải pháp xử lý triệt để, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nêu câu hỏi với Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà về việc "vì sao chưa xử lý được, giải pháp tới đây thế nào?".
Ông Trần Hồng Hà cho biết, với các nhà máy khi nhập than có thể kiểm soát được "than nhập là loại gì, chất lượng ra sao, có tốt không". Nhưng quan trọng hơn là công nghệ lò đốt. Nếu lò đốt là công nghệ lò hơi siêu tới hạn thì tro xỉ than có thể trở thành vật liệu xây dựng.
Theo phân công của Thủ tướng, Bộ Xây dựng xây dựng quy chuẩn với chất xỉ thải này và với những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, tro xỉ than hoàn toàn có thể sử dụng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây lắp, làm gạch... mà không ảnh hưởng tới môi trường.
"Tại miền Bắc hiện không còn sức ép trong xử lý tro xỉ than, thậm chí tiêu thụ tốt, doanh nghiệp còn phải mua để làm vật liệu xây dựng", ông nói.
-
15h25
Vì sao có bị cáo đủ điều kiện hưởng án treo vẫn bị xử tù giam?
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến chất vấn Chánh án Toà án nhân tối cao về nhiều trường hợp bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo nhưng toà vẫn xử tù giam. "Ngành toà án có tổ chức kiểm tra án giam hay chưa? Hướng khắc phục tồn tại này?", ông Chiến đặt câu hỏi.
Chánh án Toà tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, chế định án treo quy định trong luật được xem như là chế định nhân đạo ứng xử với hành vi vi phạm pháp luật. Chủ trương của Đảng trong nghị quyết 49 là giảm hình phạt phạt tù, tăng hình phạt không giam giữ. Thực tế, ở các nước, hình phạt không giam giữ chiếm khoảng 60%, còn Việt Nam trong nhiều năm án treo chiếm dưới 20%, năm 2018 là 23%.
"Chia sẻ với các kiểm sát viên khi đề nghị truy tố hay các thẩm phán khi tuyên án treo thì xã hội thường đặt ra câu chuyện có tiêu cực hay không. Một số trường hợp đủ điều kiện hưởng án treo nhưng các công tố viên hay thẩm phán để đảm bảo an toàn thường không áp dụng hình phạt này", ông Bình nói.
Trước tình hình trên, hội đồng thẩm phán đã có nghị quyết để khắc phục, đồng thời tập huấn theo hướng những vụ án người phạm tội lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội như đánh bạc, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm thì hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ là chính.
"Dù hướng dẫn như vậy nhưng khi đi kiểm tra, không chỉ ở ngành dọc mà các cơ quan giám sát của Quốc hội cũng đặt vấn đề án treo có vấn đề gì không, nên anh em nghi ngại", ông Bình nói.
-
15h00
Bộ trưởng Công Thương: "Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ"
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn việc xử lý các dự án thua lỗ, trong đó có dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. "Vì sao chậm, có lợi ích nhóm không, xử lý vi phạm có nghiêm minh không?", ông Sinh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm. Có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố 2 dự án, tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, nhiên liệu sinh học Bình Sơn; có nhiều cá nhân bị tạm giam phục vụ cho việc điều tra.
Cùng với khẳng định không có việc bao che cho sai phạm, Bộ trưởng Công Thương đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra đối với cá nhân vi phạm pháp luật.
"Trong ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại của các dự án này", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
-
14h45
"Có thể giải phóng hàng nghìn container phế liệu chỉ trong 2 tháng"
Đại biểu Hà Thị Lan chất vấn về "lỗ hổng" trong quản lý khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu nằm ùn ứ tại các cảng biển.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, "vấn đề này không phải cơ quan chức năng không biết, không chủ động mà thực tế là biết trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa".
Ông cho biết, một số nguyên liệu cần cho sản xuất thì được phép nhập, "lỗ hổng ở đây là chưa kiểm soát được hàng hoá vào lãnh thổ và chưa có cơ chế cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm soát".
"Giải quyết vấn đề này không khó. Trước khi các lô hàng vào thì yêu cầu tổ chức độc lập kiểm tra. Bộ Tài nguyên đã ban hành đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định. Việc kiểm soát không cho nhập khẩu phế liệu vào là trong tầm tay", ông Hà nhấn mạnh.
Về hướng xử lý số container phế liệu tồn ở cảng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu Chính phủ yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập về phải bỏ tiền ra tái xuất; với số lượng hơn 58% container nhập lậu, không có giấy tờ thì áp dụng một số biện pháp xử lý. Số này là chất thải do chứa rác, nên cơ quan chức năng sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực xử lý.
"Ở đây Nhà nước không mất đồng nào vì doanh nghiệp có thể sử dụng hàng hoá này bán đấu giá, một phần dùng bù đắp chi phí, một phần để xử lý chất thải. Nếu làm được như vậy thì chỉ 2 tháng sẽ giải phóng được số lượng container đang tồn ở cảng", ông Hà khẳng định.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng thông tin Bô trưởng Hà nêu chủ yếu "xử lý vụ việc, chứ chưa bao quát vấn đề".
Theo báo cáo của Bộ có hơn 15.000 container đang tồn ở cảng, trong số này có container chứa phế liệu, chất thải. "Cử tri lo ngại có thể chứa chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ môi trường nếu không có giải pháp xử lý thích đáng", ông Minh nói và đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với trách nhiệm đứng đầu Chính phủ giải thích, làm rõ hơn vấn đề.
-
14h40
Bài toán khó trong xử lý ô nhiễm các dòng sông
Đại biểu Leo Thị Lịch chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường về ô nhiễm sông Cầu "do phát triển kinh tế bất chấp hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương". Năm 2016 có 3 lần cá chết nổi trên sông, năm 2017 là 10 lần. "Bộ có biện pháp gì khắc phục tình trạng trên?", bà hỏi.
Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nói: "Đây là vấn đề hết sức cấp bách và hiện đã có đề án xử lý môi trường lưu vực sông Cầu".
Vấn đề tồn tại lớn nhất theo ông Hà là các đề án, tiểu đề án không đủ kinh phí thực hiện. "Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước để thực hiện đề án thì sẽ không thành công. Vì thế, cần xác định với các làng nghề, khu công nghiệp... là nguồn gây ô nhiễm thì phải xử lý theo đúng quy định, yêu cầu trả tiền khắc phục", ông nói.
-
14h25
Khoa học công nghệ có nhiều thành tựu, hỗ trợ phát triển kinh tế
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng Khoa học Công nghệ cho biết giải pháp để tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ, vừa qua ngành khoa học công nghệ đã rất nỗ lực để tái cơ cấu, chuyển dịch chính sách theo hướng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và có kết quả bước đầu. Cụ thể như trong nông nghiệp là hỗ trợ chuỗi giá trị cá tra, phụ phẩm.
Cùng với đó, ngành tiếp tục tập trung cho phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu. Bước đầu ở đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đã đánh giá thực trạng, cơ chế biến động và nguyên nhân xói lở, bồi đắp; đưa ra giải pháp chung về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển; nghiên cứu giống lúa, vật nuôi thích ứng với khí hậu...
Đối với hiện tượng khô hạn Ninh Thuận, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao 3 dự án cho ba Bộ là Khoa học công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp. Bộ Khoa học đã triển khai bước đầu và có kết quả, chuyển giao để Bộ Nông nghiệp thực hiện ở vùng này.
"Qua tích luỹ hơn 10 năm, trung tâm dự báo khí tượng của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận là một mắt xích; các giống lúa chống ngập mặn đã phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và phục vụ xuất khẩu", Bộ trưởng Khoa học thông tin.
Ông Chu Ngọc Anh nói, dù không nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu, ngành khoa học vẫn không lấy làm buồn, vì những vấn đề đại biểu, cử tri đặt ra với các ngành khác, Bộ vẫn theo dõi để nhận ra trách nhiệm của mình. Ví dụ như đại biểu đặt ra với Bộ trưởng tế về tiềm năng, khả năng phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của ngành khoa học trong việc xem xét năng lực công nghệ để hỗ trợ, đồng thời nhanh chóng tạo hành lang và chính sách để chuyển giao công nghệ. Hay đối với an toàn thực phẩm, Bộ Khoa học sẽ cùng với Bộ y tế nhận dạng sớm tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, tăng cường tính quốc gia của mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc thực phẩm.
-
14h20
Bộ trưởng Tài chính: "Nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt"
Trả lời chất vấn về tình trạng kinh doanh hoá đơn giá trị gia tăng trái phép, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói Bộ đã cùng cơ quan công an "phát hiện không ít vụ việc cá nhân lập doanh nghiệp ma, lợi dụng buôn bán hoá đơn; ngoài ra còn tình trạng bán hàng không xuất hoá đơn, kê khai, nộp thuế".
"Nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt, vì thế phải đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa, sẽ góp phần đẩy lùi thực trạng này", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
-
14h15
Thất thoát vốn Nhà nước khi doanh nghiệp không đấu giá đất trước cổ phần hoá
Đại biểu Quách Thế Tản chất vấn tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước không đấu giá đất trước cổ phần hoá, gây thất thoát vốn Nhà nước.
Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2011 quy định đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp; sau năm 2013 đã điều chỉnh lại sát với thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.
"Việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi và không thực hiện đấu giá theo quy định Luật Đất đai", ông Dũng nói.
Từ đầu năm 2018, giá trị đất của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hoá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chuyển đổi mục đích phải thu hồi đấu giá theo quy định.
-
14h05
"Xây dựng văn hoá nghị trường"
Vào đầu phiên làm việc chiều 31/10, ông Trương Trọng Nghĩa đã bấm nút tranh luận với đại biểu Lê Thị Thanh Xuân xung quanh các ý kiến của bà Xuân và bà Phạm Thị Minh Hiền trên nghị trường trước đó.
Cụ thể trong sáng nay, bà Xuân có ý kiến trao đổi với với đại biểu Hiền sau khi bà Hiền nêu chất vấn liên quan đến dự thảo thông tư "đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần" của Bộ Giáo dục. Bà Hiền chia sẻ sự lo lắng trước "năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ giáo dục mang đến", tuy nhiên bà Xuân không đồng tình và cho rằng ý kiến đó đã đưa ra góc nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành.
Theo ông Nghĩa, trong phiên làm hôm nay, đại biểu Quốc hội đang làm việc hệ trọng là thay mặt cử tri chất vấn thành viên Chính phủ, dựa trên cơ sở kiến thức, nhận thức, quan sát và thông tin của mỗi người. Người trả lời là các vị Bộ trưởng và các vị này "đủ trình độ, năng lực, lực lượng, bộ máy và bản lĩnh để giải đáp chất vấn".
"Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trường trả lời chất vấn dù mỗi người một cách khác nhau, chúng ta nên tôn trọng quyền này", ông Nghĩa nói.
Theo vị đại biểu TP HCM, các đại biểu tranh luận lẫn nhau là chuyện bình thường (như dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã qua 3 kỳ họp vẫn tranh luận) nhưng "không nên lên gân, quy chụp lẫn nhau".
"Vừa rồi trên mạng xã hội có một số trường hợp quy chụp đại biểu. Tôi đề nghị chúng ta tuyệt đối tránh việc này, phải xây dựng văn hoá nghị trường, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết và tôn trọng lẫn nhau. Các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều đó tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động dân chủ của Quốc hội", ông Nghĩa bày tỏ.