Quốc hội dành trọn ba ngày làm việc, từ 30/10 đến 1/11 để chất vấn thành viên Chính phủ và trưởng ngành tư pháp. Tuy nhiên, diễn biến các phiên làm việc ghi nhận nhiều đại biểu đã dành thời gian tranh luận với nhau trên nghị trường.
Trong đó, vào đầu phiên làm việc chiều thứ tư 31/10, ông Trương Trọng Nghĩa đã bấm nút tranh luận với đại biểu Lê Thị Thanh Xuân xung quanh các ý kiến của bà Xuân và bà Phạm Thị Minh Hiền trên nghị trường trước đó.
Cụ thể trong sáng cùng ngày, bà Xuân có ý kiến trao đổi với với đại biểu Hiền sau khi bà Hiền nêu chất vấn liên quan đến dự thảo thông tư "đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần" của Bộ Giáo dục. Bà Hiền chia sẻ sự lo lắng trước "năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ giáo dục mang đến", tuy nhiên bà Xuân không đồng tình và cho rằng ý kiến đó đã đưa ra góc nhìn bi quan, thiếu tích cực về ngành.
Thậm chí bà Xuân cho rằng, ý kiến của đại biểu Hiền sẽ “tạo ra hoài nghi của phụ huynh, học sinh đối với ngành giáo dục nước nhà”.
Theo ông Nghĩa, trong phiên làm hôm nay, đại biểu Quốc hội đang làm việc hệ trọng là thay mặt cử tri chất vấn thành viên Chính phủ, dựa trên cơ sở kiến thức, nhận thức, quan sát và thông tin của mỗi người. Người trả lời là các vị Bộ trưởng và các vị này "đủ trình độ, năng lực, lực lượng, bộ máy và bản lĩnh để giải đáp chất vấn".
"Cử tri và các đại biểu muốn nghe Bộ trường trả lời chất vấn dù mỗi người một cách khác nhau, chúng ta nên tôn trọng quyền này", ông Nghĩa nói.
Theo vị đại biểu TP HCM, các đại biểu tranh luận lẫn nhau là chuyện bình thường (như dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã qua 3 kỳ họp vẫn tranh luận) nhưng "không nên lên gân, quy chụp lẫn nhau".
"Vừa rồi trên mạng xã hội có một số trường hợp quy chụp đại biểu. Tôi đề nghị chúng ta tuyệt đối tránh việc này, phải xây dựng văn hoá nghị trường, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết và tôn trọng lẫn nhau. Các đại biểu có quyền tranh luận, không đồng ý vì chưa đúng hoặc chưa chính xác nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều đó tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động dân chủ của Quốc hội", ông Nghĩa bày tỏ.
"Có thể giải phóng hàng nghìn container phế liệu chỉ trong 2 tháng"
Đại biểu Hà Thị Lan chất vấn về "lỗ hổng" trong quản lý khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu nằm ùn ứ tại các cảng biển.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, "vấn đề này không phải cơ quan chức năng không biết, không chủ động mà thực tế là biết trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên tham mưu chính sách phòng ngừa từ xa".
Ông cho biết, một số nguyên liệu cần cho sản xuất thì được phép nhập, "lỗ hổng ở đây là chưa kiểm soát được hàng hoá vào lãnh thổ và chưa có cơ chế cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý để kiểm soát".
"Giải quyết vấn đề này không khó. Trước khi các lô hàng vào thì yêu cầu tổ chức độc lập kiểm tra. Bộ Tài nguyên đã ban hành đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để giám định. Việc kiểm soát không cho nhập khẩu phế liệu vào là trong tầm tay", ông Hà nhấn mạnh.
Về hướng xử lý số container phế liệu tồn ở các cảng biển, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu Chính phủ yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập về phải bỏ tiền ra tái xuất; với số lượng hơn 58% container nhập lậu, không có giấy tờ thì áp dụng một số biện pháp xử lý. Cụ thể, do số container này là chất thải, chứa rác, nên cơ quan chức năng sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực xử lý.
"Ở đây Nhà nước không mất đồng nào vì doanh nghiệp có thể sử dụng hàng hoá này bán đấu giá, một phần dùng bù đắp chi phí, một phần để xử lý chất thải. Nếu làm được như vậy thì chỉ 2 tháng sẽ giải phóng được số lượng container đang tồn ở cảng", ông Hà khẳng định.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng thông tin Bô trưởng Hà nêu chủ yếu "xử lý vụ việc, chứ chưa bao quát vấn đề".
Theo báo cáo của Bộ có hơn 15.000 container đang tồn ở cảng, trong số này có container chứa phế liệu. "Cử tri lo ngại có thể chứa chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ môi trường nếu không có giải pháp xử lý thích đáng", ông Minh nói và đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với trách nhiệm đứng đầu Chính phủ làm rõ vấn đề.
"Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ"
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, trong đó có dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. "Vì sao chậm, có lợi ích nhóm không, xử lý vi phạm có nghiêm minh không?", ông Sinh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm. Có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố 2 dự án, tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, nhiên liệu sinh học Bình Sơn; đã có nhiều cá nhân bị tạm giam phục vụ cho việc điều tra.
"Trong ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc, tồn tại của các dự án này", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn từ 8h sáng mai, thứ năm ngày 1/11.
Anh Minh - Hoàng Thuỳ - Võ Hải
Xem diễn biến chính