Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018.
Doanh nghiệp FDI 'hắt hơi xổ mũi' là ngân sách tỉnh gặp vấn đề
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sau 9 tháng ước đã có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao là "một bất ngờ". Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Ngân lưu ý, cần phân tích sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp FDI với trong nước, nhưng cần phân tích để thấy doanh nghiệp nội vẫn đang rất yếu.
Cụ thể, một số yếu tố đột biến khiến GDP cả nước đạt 6,41% như lĩnh vực điện tử tăng 45% là nhờ Samsung ra mắt sản phẩm điện thoại mới, hay sản xuất kim loại tăng 24,4% do Formosa đã đi vào hoạt động và dự kiến trong năm nay sản xuất ra được 1,5 triệu tấn thép thô.
“Tôi nhớ ngày xưa tại tỉnh Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh này trông vào doanh nghiệp ôtô Ford. Chủ yếu nguồn thu trông vào công ty này nên khi 'ông' này “hắt hơi sổ mũi” là ngân sách tỉnh có vấn đề luôn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu TP HCM Trương Trọng Nghĩa lo lắng khi xuất khẩu vừa qua tăng nhưng lại dựa vào những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Bài học nhãn tiền được vị đại biểu TP HCM nhắc tới trong câu chuyện phát triển công nghiệp ôtô, khi đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hoá lên 30-40% và đưa ra chính sách thu hút vốn nước ngoài, nhưng thực tế chỉ đạt được vài phần trăm.
"Muốn nội địa hóa phải đào tạo được nhân lực, sản xuất được bộ phận nào đó, chứ giờ như Toyota rút đi thì chúng ta còn lại gì?”, ông đặt câu hỏi.
Theo vị đại biểu, đóng góp của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI chỉ tính bằng lao động giá rẻ, tiền lương thấp nên thực tế “không được hưởng bao nhiêu FDI cả”. Do đó cần phải tính toán thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo ra những “sản phẩm của Việt Nam”.
Cũng phân tích sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI lớn, ông Trần Anh Tuấn - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM gọi đây là "sự trục trặc của nền kinh tế".
Ông phân tích, tăng trưởng 9 tháng đạt 6,41% một phần nhờ xuất khẩu tăng cao, nhưng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này nhập nguyên vật liệu từ các nước có tập đoàn mẹ, điển hình là Samsung và Formosa... rồi tận dụng lợi thế lao động rẻ ở quốc gia thứ 3 như Việt Nam, rồi xuất khẩu sản phẩm thành phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chưa tham gia chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng dành cho Việt Nam rất thấp.
"Giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam thấp. Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu, nhập khẩu nhiều nhưng thực tế đóng góp cho các nền kinh tế khác, chứ không phải Việt Nam", quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nêu.
"Chúng ta vui vì GDP năm 2017 có thể tăng 6,7% như kế hoạch, 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt. Nhưng phải nhìn nhận và giải quyết các trục trặc của nền kinh tế thì mới phát triển bền vững", ông cảnh báo.
Không có chuyện tăng trưởng dựa vào dầu thô, tín dụng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng băn khoăn trước con số tăng trưởng quý III đạt 7,46% trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư chậm, trái phiếu không chi được, thu của cả 3 khối doanh nghiệp đều không đạt…
Làm rõ điều này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, không có chuyện tăng trưởng chạy theo tăng dầu thô, tín dụng. Ông giải thích, năm 2017 kế hoạch dầu thô đặt ra chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với 2016. Mỗi triệu tấn dầu thô giảm đi, GDP giảm 0,25%. "Như vậy, giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%", Phó thủ tướng dẫn chứng.
Còn chỉ số tín dụng, 9 tháng tăng 12% gần bằng cùng kỳ năm 2016. Vì thế, chuyện "tăng trưởng dựa vào tín dụng cũng không phải”.
Trước ý kiến lo ngại, 3 tháng cuối nếu tín dụng tăng thêm 9% sẽ dẫn tới nguy cơ lạm phát, ông Vương Đình Huệ trấn an, đây chỉ là chỉ tiêu định hướng. “Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ta dẫn nó đi đâu thôi. Trước đây, tín dụng tăng 30-36% và năm 2009, cao điểm nhất là 53,9% thì giờ chỉ còn một nửa. Nhưng, tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chỉ cần một công ty bất động sản vỡ nợ thì kéo theo dây chuyền đổ vỡ”, Phó thủ tướng giải thích, đồng thời dẫn chứng vừa rồi tín dụng chủ yếu “chảy” vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, hoàn toàn phù hợp với quy luật.
Ông nói thêm, tính GDP không phải cộng các quý lại rồi chia bình quân. GDP mỗi quý, mỗi tháng khác nhau và tính trực tiếp của quý đó. Còn cả năm thì tính theo cả năm. Như muốn đạt tăng trưởng 6,7% thì tăng trưởng quý IV không phải 7,9% theo cách tính bình quân sẽ chỉ là 7,31%.
Hoàn thành 13/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao Ngày 23/10, Báo cáo trước Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong số 13 chỉ tiêu mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cho năm 2017, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và vượt 5 chỉ tiêu, trong đó có tốc độ tăng xuất - nhập khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội so với GDP... Sau 9 tháng, GDP cả nước tăng 6,41% và ước cả năm đạt khoảng 6,7%. Con số này "vừa khớp" so với kế hoạch Quốc hội giao. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD. Bình quân GDP đầu người khoảng 2.400 USD. CPI tăng 3,79% trong 9 tháng và ước bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Sau nhiều năm dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD, mối lo nợ công, theo Thủ tướng, vẫn trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm, trong đó dư nợ công khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. |
Nguyễn Hoài - Hoàng Thùy