Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa trình cổ đông danh sách 8 ứng viên đề cử vào Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2018-2023 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 sáng 27/4.
Hai nhân sự mới được đề cử vào HĐQT có ông Hồng Quang - Trưởng ban Tổ chức cán bộ Vietcombank và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân. Trong đó, ông Trương Gia Bình được bầu làm thành viên HĐQT độc lập.
Theo quy định, Thành viên HĐQT độc lập là thành viên không điều hành và không phải là người có liên quan với tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác được HĐQT bổ nhiệm. Thành viên HĐQT độc lập không đại diện cho quyền lợi của ai trong công ty. Thành viên HĐQT độc lập được xem là người có thể bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ trong một công ty đại chúng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng trình cổ đông thông qua phương án thù lao trả cho thành viên HĐQT độc lập năm 2017 là 267 triệu đồng và đã được thông qua.
Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành dành khá nhiều thời gian để trả lời 12 câu hỏi của các cổ đông về hoạt động kinh doanh, kế hoạch M&A, giảm sở hữu chéo và chiến lược tới năm 2020.
Năm 2017, Vietcombank là một trong ít ngân hàng có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thu từ phí dịch vụ) cao - chiếm 25,6%. Gần đây, ngân hàng có thị phần thẻ lớn nhất nhì hệ thống cũng vừa điều chỉnh một loạt phí dịch vụ. Tại ĐHCĐ, ông Nghiêm Xuân Thành thừa nhận, tăng trưởng phí dịch vụ là một trong ba trụ cột phát triển kinh doanh của Vietcombank trong vài năm tới. Mục tiêu tới năm 2020, Vietcombank sẽ tăng tỷ trọng thu từ phí dịch vụ lên 30%.
Việc mua bán sáp nhập cũng được lãnh đạo Vietcombank đề cập. Ông cho biết, dù kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ năm 2016, đến nay Vietcombank vẫn chưa tìm thấy một đối tác nào "thực sự rõ nét".
Tuy nhiên, vừa qua, Vietcombank cũng được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tái cơ cấu nhà băng 0 đồng - Ngân hàng Xây dựng (CB). Với nhiệm vụ "chính trị" này, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định ngân hàng chỉ hỗ trợ nhân sự và kỹ thuật (con người), hoàn toàn không bằng tài chính và đảm bảo nguyên tắc "không có thiệt hại về mặt tài chính" cho ngân hàng tham gia hỗ trợ nhà băng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra.
Sau thoái vốn thành công tại OCB, Vietcombank hiện vẫn còn sở hữu trên 5% vốn tại Ngân hàng Quân đội (MB) và Eximbank. Chia sẻ với cổ đông, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định trong quý II, nếu thị trường thuận lợi, sẽ tiến hành thoái cổ phần tại hai tổ chức tín dụng này để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.
Các cổ đông Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch phương án tăng 14% tổng tài sản, tăng 15% tín dụng và huy động vốn; mục tiêu lợi nhuận là 13.300 tỷ đồng, tăng 17%. Năm 2017, Vietcombank dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống với mức lãi hơn 11.300 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, Vietcombank có 15.615 cán bộ nhân viên và dự kiến chỉ tăng không quá 6% nhân sự trong năm 2018. Bên cạnh đó, quỹ lương của Vietcombank theo kế hoạch cũng không đổi, duy trì ở mức 37% lợi nhuận trước thuế (chưa gồm lương).
Ngân hàng này dự kiến dành 2.878 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2017, tỷ lệ 8%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2018 cũng xoay quanh mức này.
Theo Đề án cơ cấu lại, Vietcombank tham vọng đưa tổng tài sản lên khoảng 60 tỷ USD đến năm 2020, trở thành ngân hàng số một tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Quy mô vốn chủ sở hữu khoảng 4,5 tỷ USD, ROE khoảng 15%, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.