Sau một năm 2017 đã "thắng lớn" về lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh 2018 của 3 ngân hàng quốc doanh đứng đầu hệ thống trở thành tâm điểm được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Là cái tên đang dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) vừa thông báo đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2018 đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động như tổng tài sản, huy động vốn, tín dụng tăng 14 - 15% và nợ xấu duy trì dưới 1,5% tính đến cuối năm.
Con số 13.000 tỷ cũng là kế hoạch lợi nhuận trước thuế cao nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng và cao hơn mục tiêu 12.000 - 12.500 tỷ đồng mà chính Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành - chia sẻ hồi đầu năm.
Năm 2017, Vietcombank đạt hơn 11.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên cán mốc lợi nhuận "5 con số" (đạt trên 10.000 tỷ đồng). Nhà băng này cũng lần đầu tiên gia nhập nhóm ngân hàng có quy mô tài sản triệu tỷ đồng, với dư nợ tín dụng tính tới cuối năm 2017 đạt hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2016.
Với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG), nhà băng này cũng kỳ vọng sẽ vào nhóm lợi nhuận "5 con số" trong năm 2018. Theo báo cáo thường niên mới công bố, VietinBank đặt mục tiêu lãi 10.800 tỷ, tăng 17% so với năm 2017 và tín dụng, huy động vốn kỳ vọng tăng từ 10 đến 14%.
Năm 2017, VietinBank báo lãi trước thuế hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và vượt 5% kế hoạch ban lãnh đạo đề ra. Tổng tài sản đến hết năm của nhà băng này đạt 1,1 triệu tỷ đồng với dư nợ tín dụng hơn 840.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,07%.
Là ngân hàng có tổng tài sản đứng đầu trong nhóm 3 ngân hàng quốc doanh với 1,2 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) đặt kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn trong năm nay với mức tăng hơn 6%.
Theo tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế 9.200 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn kỳ vọng đạt 17%.
Tại BIDV, câu chuyện chính hiện vẫn xoay quanh vấn đề tăng vốn. Biện pháp đầu tiên được ban lãnh đạo BIDV đưa ra trong phần thực hiện kế hoạch năm 2018 là nâng cao năng lực tài chính. Theo đó, nhà băng này cho biết sẽ tập trung tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Cuối năm 2017, một số công ty chứng khoán đã đề cập đến việc BIDV có khả năng phát hành khoảng 15% vốn mới cho một ngân hàng của Hàn Quốc.
Năm 2017, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.800 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, mặc dù ngân hàng này trích lập dự phòng tăng hơn 62%. Theo công ty chứng khoán HSC, kết quả này đạt được do NIM của BIDV được cải thiện từ 2,78% lên 2,99% và chi phí hoạt động tăng chậm lại.
Cũng theo tài liệu Đại hội, BIDV dự kiến trình cổ đông việc chia cổ tức 2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương số tiền dự chi gần 2.400 tỷ đồng. Trước đó, nhà băng này cũng đã trả cổ tức 2016 bằng tiền với tỷ lệ 7%.
Minh Sơn