Tại diễn đàn về AI trong khuôn khổ Techday 2024 ngày 13-14/11 ở TP HCM, ông Tú cho rằng khi xã hội ngày càng phát triển, con người sẽ có nhu cầu bổ sung kiến thức, học tập nhiều hơn, trong khi doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vận hành, còn các quốc gia phải tăng năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.
Là đơn vị dùng công nghệ của Việt Nam để phục vụ các nhu cầu của cá nhân, tổ chức, xã hội, ông Tú cho biết bản thân hệ sinh thái sản phẩm của tập đoàn FPT cũng phải liên tục đổi mới và phát triển, đến nay đã trải qua bốn giai đoạn.
Các giai đoạn này gồm: Đầu tiên là giai đoạn số hóa, bằng việc tin học hóa các trụ cột kinh tế và xây dựng nền Internet Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo là tự động hóa các ngành, lĩnh vực kinh doanh, sau đó chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số.
"Và bây giờ là chuyển đổi AI", ông Tú nhấn mạnh.
Trong giai đoạn chuyển đổi AI, theo CTO FPT, bài toán của các doanh nghiệp là làm sao thấu hiểu được khách hàng, tiếp cận họ một cách thông minh, đồng thời tận dụng sức mạnh của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hướng kinh doanh mới đột phá.
Dẫn ví dụ trong lĩnh vực báo chí, ông Tú cho rằng khi đưa AI vào một tòa soạn, nó có thể biến thành "Copilot In News Room", với các trợ lý hỗ trợ kiểm soát chính tả, số hóa bản tin thực, tạo biểu đồ, thậm chí tạo ra nội dung mới, thu hút và tăng trưởng độc giả. Hay khi AI được tích hợp với điện toán đám mây sẽ tạo thành AI Factory, các dịch vụ AI thông minh trên cloud. "Nhờ AI Factory, năng lực AI của FPT được tăng lên 100 lần", ông Tú nói.
Song, theo đại diện FPT, việc ứng dụng AI tại Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều và thách thức. Với phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lợi thế là họ sẽ có động lực mạnh mẽ trong việc ứng dụng AI. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, việc xác định được các bài toán cụ thể, cách thức quản trị, đo lường hiệu quả của AI sẽ "không dễ".
"Sẽ rất khó triển khai các ứng dụng theo dạng 'may đo' cho riêng doanh nghiệp, bởi việc đầu tư có thể vượt quá khả năng của đơn vị", đại diện FPT nói. Giải pháp được đánh giá phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam sẽ là các giải pháp "may sẵn", có thể dùng cho nhiều doanh nghiệp cùng một ngành và do một đơn vị chuyên nghiệp cung cấp.
Theo ông Tú, tập đoàn cũng đang dồn lực để "mang tương lai về hiện tại", với việc sử dụng hạ tầng tính toán hợp tác cùng Nvidia, với khả năng tính toán exaflops, tức thực hiện tỷ tỷ phép tính trên giây, cùng nguồn lực 80.000 người, trong đó có nhiều nhân sự trẻ được đào tạo chuyên sâu về AI tại nước ngoài cũng như và được chuyển giao kinh nghiệm những doanh nghiệp lớn nhất thế giới như Nvidia, Microsoft, Landing AI.
Khi "chuyển đổi AI", CTO FPT ước tính doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí 50%, tăng năng suất lao động 67%, với khả năng chăm sóc khách hàng xuyên suốt bất kể thời gian, đồng thời tạo ra các giá trị lớn hơn và cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Lưu Quý