"Chúng ta có thể mua một số tàu từ các quốc gia gần gũi với Mỹ và làm tốt việc chế tạo tàu thuyền, dù sẽ phải trình đề xuất lên quốc hội", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/4 nói. "Chúng ta sẽ bắt đầu quá trình tái thiết ngành công nghiệp đóng tàu. Thật nực cười khi chúng ta về cơ bản không còn đóng tàu nữa".
Ông Trump cho biết việc đặt mua tàu từ nước ngoài có thể được tiến hành trong quá trình Mỹ cải tổ ngành công nghiệp đóng tàu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không nói rõ loại tàu mà Mỹ dự tính đặt mua từ nước ngoài là phương tiện dân sự hay chiến hạm.

Tàu ngầm USS San Francisco trong ụ nổi tại nhà máy đóng tàu hải quân Norfolk, bang Virginia, Mỹ tháng 9/2020. Ảnh: US Navy
Bình luận được ông Trump đưa ra sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz cho biết "các nhà máy đóng tàu Trung Quốc năm ngoái nhận 1.700 đơn đặt hàng mới, còn nhà máy của Mỹ chỉ có 5 đơn đặt hàng".
Trước đó một ngày, ông Trump ký sắc lệnh nhằm thúc đẩy năng lực đóng tàu trong nước, yêu cầu các cơ quan liên quan nộp kế hoạch trong vòng 210 ngày.
Sắc lệnh cũng yêu cầu xem xét các lựa chọn về đầu tư và mở rộng năng lực đóng tàu dân sự lẫn quân sự, chuỗi cung ứng linh kiện, năng lực vận tải biển và sửa chữa tàu, hạ tầng cảng và lực lượng lao động liên quan.
Nhu cầu chiến hạm của hải quân Mỹ đã vượt xa nguồn cung tiềm năng của ngành công nghiệp đóng tàu nước này và việc duy trì các hạm đội của họ với cơ sở hiện có ngày càng trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Tàu hậu cần USS Frank Cable trong ụ nổi tại nhà máy ở Portland, bang Oregon, Mỹ tháng 8/2017. Ảnh: US Navy
"Việc mở rộng ngành công nghiệp đóng tàu sang các đồng minh thân cận sẽ giúp ích về mặt này, cũng như tăng thêm số lượng các xưởng đóng tàu có thể phục vụ chiến hạm Mỹ", biên tập viên Howard Altman của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Tuy nhiên, Altman nhận định việc đặt mua tàu do nước ngoài đóng hay cho các doanh nghiệp này đầu tư vào Mỹ sẽ có thể gây ra tranh cãi tại quốc hội, khi bất cứ khoản ngân sách nào được chuyển ra khỏi các xưởng trọng yếu của Mỹ sẽ đều bị thách thức.
Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có năng lực đóng tàu hàng đầu thế giới và đang chế tạo chiến hạm liên quan tới lớp khu trục hạm Arleigh Burke, vốn là xương sống của hải quân Mỹ. Điều này giúp Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đóng toàn bộ hoặc một phần đáng kể khu trục hạm lớp Arleigh Burke theo tiêu chuẩn Mỹ.
Hàn Quốc năm ngoái biên chế khu trục hạm ROKS Jeongjo Đại vương, chiến hạm đầu tiên thuộc lô KDX-III của lớp cùng tên và được trang bị hệ thống Aegis tương tự khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Nhật Bản đã chế tạo ba lớp khu trục hạm liên quan đến lớp Arleigh Burke của Mỹ. Ngoài ra, nước này còn đóng hộ vệ hạm tàng hình lớp Mogami, với thiết kế được đánh giá là độc đáo. Các chiến hạm lớp Mogami được trang bị ống phóng thẳng đứng Mk. 41 giống nhiều tàu hải quân của Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)