"Nhật Bản là một quốc gia chiến binh. Tôi muốn nhắc Trung Quốc và tất cả mọi người rằng họ sẽ sớm có vấn đề lớn với Nhật Bản nếu để vấn đề với Triều Tiên tiếp diễn", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 2/11.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không cho biết "vấn đề lớn" với Trung Quốc có nghĩa là gì. Hồi tháng 4/2016, ông Trump từng khẳng định Nhật Bản nên tự bảo vệ mình trước Triều Tiên, thay vì dựa vào sức mạnh quân sự Mỹ. Khi được hỏi liệu điều này có cho phép Tokyo sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng, ông Trump khẳng định các biện pháp phòng thủ có thể "bao gồm cả vũ khí hạt nhân".
Tuyên bố này được ông Trump đưa ra trước thềm chuyến công du dài ngày tới châu Á, nơi ông sẽ gặp lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc để thảo luận về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.
Nhật Bản hiện không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nước này đã làm giàu hàng trăm kg plutonium cấp độ vũ khí, cho phép họ chế tạo 6.000 đầu đạn hạt nhân chỉ trong vòng vài tháng. Chính sách dự trữ mang tên "Lựa chọn Nhật Bản" này trên thực tế đã biến Nhật thành một quốc gia hạt nhân, bất chấp việc chưa tới 10% dân số nước này ủng hộ việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump cũng có thể ám chỉ Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, trong đó cấm Tokyo tuyên bố chiến tranh hoặc tiến hành hoạt động quân sự trừ khi bị tấn công. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố xem xét lại Điều 9 trong Hiến pháp là trọng tâm trong chính sách quân sự nhằm đối phó với áp lực an ninh gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, kịch bản Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Trump chọn Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á, trước khi tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề được bàn thảo giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe trong chuyến đi này.
Washington, Tokyo và Seoul đang tìm cách gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng để đáp trả các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Trump thường xuyên kêu gọi Trung Quốc tham gia nỗ lực buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu xuống thang, bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế.
Tử Quỳnh