Giao dịch cùng được thực hiện trong ngày 2/7. Trong đó, ông Trần Bá Dương bán toàn bộ gần 11,3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hùng Vương (4,96% vốn), còn Công ty Sản xuất và Thương mại Trân Oanh bán hết 8,6 triệu cổ phiếu (3,79% vốn).
Tại phiên 2/7, cổ phiếu HVG cũng ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận gần 20 triệu cổ phiếu, trùng với lượng cổ phiếu được ông Dương và công ty riêng bán ra. Giao dịch thỏa thuận có giá trị gần 46 tỷ đồng.
Trước giao dịch này, đầu tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh, ủy viên HĐQT Hùng Vương cũng đã bán hơn 36,6 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu về dưới 1%. Số cổ phần này của ông Thịnh được chuyển nhượng từ ông Nguyễn Bá Dương và Thaco vào cuối năm 2020.
Thaco đầu tư vào Hùng Vương từ đầu năm 2020 thông qua công ty con Thadi.
Theo thoả thuận, Thadi và những cổ đông liên quan sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng. Hai bên lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trong đó Thadi nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Từ khi hợp tác với Thaco, "vua cá tra" Hùng Vương không chia sẻ công khai thông tin hoạt động. Lần gần nhất công ty này công bố báo cáo tài chính vào giữa tháng 2/2020. Đây cũng là nguyên nhân khiến Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với HVG từ đầu tháng 8/2020 để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Cổ phiếu HVG sau đó đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM nhưng cũng chỉ được thực hiện vào thứ Sáu hàng tuần.
Theo số liệu tài chính gần nhất cuối năm 2019, Hùng Vương khi đó ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng, tương đương gần 77% vốn điều lệ. Trong ba tháng cuối năm 2019, tương ứng với quý I/2020 theo niên độ tài chính của Hùng Vương, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 250 tỷ đồng.
Minh Sơn