"Tôi và ông Dương gặp nhau 60 phút để quyết định hợp tác. Tại sao chỉ có một tiếng đồng hồ mà chúng tôi thống nhất triển khai khối lượng công việc cực kỳ lớn? Đó là vì tôi chọn người kỹ lắm, thà chết thì thôi chứ không phải gặp ai cũng xuôi. Ông Dương nhìn bề ngoài vậy nhưng rất cẩn thận, nói đi đôi với làm và có phong cách, tư tưởng của một người làm được việc lớn", người đứng đầu Công ty cổ phần Hùng Vương chia sẻ tại lễ ký hợp tác chiến lược với thành viên của Thaco tối 9/1.
Hùng Vương trước thời điểm đó như một con tàu đắm khi nhiều năm kinh doanh không có lãi. Công ty lỗ sau thuế hơn 890 tỷ đồng và nợ 7.200 tỷ đồng vào cuối niên độ tài chính 2018-2019. Ông Minh không ít lần đề nghị ngân hàng giãn thời gian thanh toán nợ đến hạn, mỗi khoản từ vài trăm đến nghìn tỷ. Trong khi đó, phía kiểm toán kết luận rằng khả năng hoạt động tiếp của công ty phụ thuộc phần lớn vào việc sắp xếp được dòng tiền và ngân hàng đồng ý tái cơ cấu nợ.
"Tôi đầu tư chăn nuôi heo, xây dựng một mét vuông chuồng trại đúng quy trình tốn 20 triệu, trong khi cùng diện tích đó xây nhà ở xã hội chỉ mất 15 triệu. Ngân hàng cho vay bất động sản nếu gặp trục trặc thu được tài sản, còn chuồng trại của tôi thì có gì để thu", ông Minh nói.
Sau cuộc gặp ngắn, lãnh đạo của Hùng Vương và Thaco thoả thuận thành công 3 vấn đề quan trọng.
Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Đông Dương (Thadi, thành viên của Thaco) đầu tư vào Hùng Vương thông qua việc sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng.
Thadi và Hùng Vương lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trong đó Thadi nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Thadi sẽ đầu tư nuôi heo thịt với quy mô 1,2 triệu con một năm để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo ông Minh, Hùng Vương có thế mạnh về con giống, công nghệ nên xem như đã hoàn chỉnh móng của một căn nhà. Thadi vào quản trị nhân sự, chiến lược và gỡ nút thắt tài chính là xây dựng phần thô còn lại. Công ty này đã rót khoảng 1.500 tỷ đồng sau hai tháng ký thoả thuận ban đầu. Nếu theo đúng kế hoạch thì số tiền rót vào lên đến 5.000 tỷ đồng để vực dậy doanh nghiệp đầu ngành cá tra Việt Nam.
"Tôi và ông Dương cùng quan điểm là xây dựng nền nông nghiệp phát triển và chuỗi sản phẩm đảm bảo an toàn nên quyết định hợp tác rất nhanh. Hai bên đều muốn công bằng, không ai lấn lướt ai. Ông Dương nắm 35% Hùng Vương, còn tôi 38% nên có thể phủ quyết mọi quyết định hay chiến lược nếu thấy không công bằng. Được thì hai bên cùng có lợi, không thì có hại hoặc mất tất cả", ông Minh nói với VnExpress bên lề buổi ký kết.
Sau hợp tác, Hùng Vương đặt mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn cá tra thành phẩm sang thị trường châu Âu, châu Á và châu Mỹ để mang về 250 triệu USD doanh thu. Công ty phát triển vùng nuôi tôm chất lượng cao rộng hơn 500 hecta ở Bến Tre, củng cố mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 600.000 tấn mỗi năm và phát triển mảng chăn nuôi heo.
"Tôi tin ngay trong năm nay thôi Hùng Vương sẽ rất khác", ông Minh khẳng định.
Phương Đông