Trung tá Dương Thanh Tịnh, tổ trưởng công tác cắm bản Rào Tre, đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) luôn được bà con trong bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) quý mến, tôn trọng, xem như người ruột thịt. Từ ngày tới đây công tác đã 6 năm, trong sâu thẳm trái tim ông, đằng sau khuôn mặt hiền, nụ cười là một nỗi trăn trở, đau đáu tới day dứt, đó là làm sao có thể xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở tộc người nguyên sơ nhất Việt Nam này.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng công tác cắm Rào Tre (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh). Ảnh: Đ. H |
Bản Rào Tre có 38 hộ với 138 nhân khẩu. Trước kia khi sinh con cái ra, bà con nơi đây không biết gả cho ai, dẫn tới tình trạng anh em họ họ hàng lấy nhau, tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết thống. Ngày 30/9, lần thứ hai họ được đón một cưới “lớn nhất bản” khi Hồ Thị Duyên (20 tuổi), cô gái người Chứt thứ hai kết hôn với người Kinh.
Trong không gian tiệc cưới ấm cúng dựng tại chốt cắm bản Biên phòng Rào Tre, cô dâu Hồ Thị Duyên và chú rể Nguyễn Đình Nhân (18 tuổi) tươi cười, rạng rỡ bên nhau. Nên duyên trong lần gặp gỡ tình cờ tại buổi giao lưu văn nghệ tại xã Hương Liên cách đây 2 năm. Chuyện tình “em yêu chị” của cặp uyên ương có lúc tưởng như tan vỡ, nếu không có sự giúp đỡ, khuyên bảo của “ông tơ” Dương Thanh Tịnh.
Nhân kể rằng, khi đã tìm hiểu kỹ càng, quyết định sẽ làm đám cưới để về sống chung cùng nhau, bố mẹ anh đã lo lắng và không đồng tình. “Không phải bố mẹ em phân biệt, mà bởi vì tộc người này còn nguyên sơ, hơn nữa từ trước tới giờ, rất hiếm người Kinh kết hôn với dân tộc Chứt”, nhân Lý giải.
Thấy ý định cương quyết của con trai, bố mẹ Nhân đã tìm đến hỏi han ý kiến của ông Tịnh. Vị trung tá đã ngồi trực tiếp với họ hàng của hai gia đình, khuyên rằng mọi người nên tôn trọng tình yêu của các cháu, không nên vì bất cứ rào cản nào mà ngăn cách hạnh phúc của con trẻ. Nghe xong, bố mẹ Nhân đồng ý, để con trai về làm rể của bản Rào Tre.
Ông Hồ Xuân Đỏng (bố Duyên) vui mừng, phấn khởi chia sẻ: “Chú Tịnh đã hướng dẫn hai cháu đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, rồi đại diện cho họ nhà gái đi ăn hỏi, phát biểu trong hôn lễ. Thấy con hạnh phúc, gia đình tôi biết ơn chú Tịnh vô cùng”, ông Đỏng nói trong xúc động.
"Ông tơ" Dương Thanh Tịnh đại diện phát biểu trong ngày hạnh phúc của cặp uyên ương Nhân và Duyên. Ảnh: Quốc Châu. |
Trước chuyện tình của Nhân - Duyên, vào tháng 4 vừa qua, bản Rào Tre cũng từng đón một hôn lễ lịch sử, đó là đám cưới của Hồ Thanh Mai (19 tuổi), cô gái người Chứt đầu tiên kết hôn với chàng trai người Kinh Lê Xuân Công (23 tuổi). Tình yêu của họ cũng có lúc tưởng chừng như đổ vỡ nếu không có sự vun đắp của trung tá Tịnh.
Ông Tịnh chia sẻ, nhiều lần các đôi uyên ương có sự xa cách, họ tìm tới ông nhờ tư vấn. Lúc này ông đặt vị trí mình là những người bố, người mẹ, nói nhẹ nhàng, phân tích cho các nam nữ thanh niên hiểu việc được gắn bó với nhau dù ít hay nhiều thì đó cũng là duyên trời ban, nên trân trọng.
“Trong tình yêu thì có giận hờn, đó chính là chất men say để tạo ra các cung bậc cảm xúc. Tôi nói về tình yêu như nói với con gái, con trai của mình, sau đó họ hiểu và càng gắn bó keo sơn, rồi nên duyên vợ chồng”, trung tá Tịnh kể.
Quá trình làm “ông tơ”, ông Tịnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, những tình huống khó xử. Xưa nay đồng bào Chứt vốn giữ nếp sống nguyên thủy, việc khuyên họ từ bỏ thói quen để học theo người Kinh là rất khó.
Trong hai đám cưới đã diễn ra, khi các cô gái chuẩn bị về nhà chồng, ông Tịnh cầm tay cô dâu chú rể đặt chồng lên nhau. Như một người bố, ông dặn dò các cháu phải nhường nhịn nhau, sống hòa thuận, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Sau này ổn định mọi thứ, ông sẽ hỗ trợ họ về bản, cùng nhau xây dựng, phát triển bản làng.
Trong tâm trạng phấn khởi, ông Tịnh cười hiền, chia sẻ thêm rằng đang tiếp tục se duyên cho một cặp tình nhân khác là Hồ Thị Bình Xuân (22 tuổi, dân tộc Chứt) và Nguyễn Văn Tiệp (24 tuổi, dân tộc Kinh). Theo ông, cặp đôi này cũng đang xúc tiến làm đám cưới để về sống chung một mái nhà vào năm sau.
Dù đang đạt được những tín hiệu tích cực trong việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, tuy nhiên mỗi lúc hướng ánh mắt nhìn về bản làng, ông Tịnh giọng thoáng buồn, lo lắng.
“Trong bản đang có 17 thanh niên (15 nam, 2 nữ) đến độ tuổi lập gia đình. Con gái thì rồi họ cũng có thể lấy được người Kinh. Vấn đề là từ trước tới nay chưa có một cô gái người Kinh nào lấy một chàng trai Chứt”, ông nói và lo sợ những nam thanh niên này cứ trong vòng luẩn quẩn, rồi lại lấy người trong bản, cứ thế hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại.
Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, trung tá Tịnh là một người tuyệt vời, nhiệt tình trong công việc, đặc biệt là có tình thương với đồng bào Chứt, luôn ngày đêm trăn trở, lo lắng cho sự sinh tồn của họ.
“Để từng bước đưa người Chứt hòa nhập với cộng đồng, vừa qua chúng tôi đã phối hợp với huyện Hương Khê, Trung tâm dạy nghề Hà Tĩnh mở các lớp học nghề đan lát cho đồng bào nơi đây”, ông Sâm nói và cho hay khi có một đám cưới nào của người Chứt diễn ra, chính quyền các cấp luôn ủng hộ hết mình về vật chất lẫn tinh thần.
Đức Hùng