Ngày 7/4, một buổi tiệc ngọt được tổ chức ngay tại chốt cắm bản Rào Tre, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, để mừng hạnh phúc đôi uyên ương Lê Xuân Công (23 tuổi) và Hồ Thanh Mai (19 tuổi).
Trong không gian ấm cúng với sân khấu do bộ đội biên phòng Bản Giàng dựng, cô dâu, chú rể đã có một ngày vui với trầu cau, bánh kẹo trong tiếng cười, lời ca hát của người dân trong bản. "Từ bé tới giờ, tôi mới thấy đám cưới như thế này, mong sao có nhiều đám cưới hơn nữa", anh Hồ Tiến Hóa chia sẻ.
Bản Rào Tre có 37 hộ gia đình người Chứt với 138 nhân khẩu. Từ lâu hôn nhân cận huyết thống là vấn đề tồn tại ở tộc người này. Mai là cô gái người Chứt đầu tiên kết hôn với người Kinh.
Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt hiền lành, Công bẽn lẽn tâm sự về mối tình nhiều ngăn cách của mình với Mai. Năm 2011, trong một lần đi dự giao lưu ở xã Hương Liên, anh tình cờ gặp Mai, xin số điện thoại làm quen. "Ban đầu, Mai ngại ngùng nhưng trò chuyện nhiều, cô ấy dần tin tưởng em. Bọn em đã yêu nhau sau gần một năm tìm hiểu", Công cho biết.
Mới 23 tuổi nhưng Công đã phải trải qua nhiều biến cố của cuộc sống. Khi lên hai tuổi, bố mẹ ly hôn, gia cảnh khó khăn, Công cùng mẹ bữa rau bữa cháo, vượt mọi khó khăn để khôn lớn, trưởng thành. Học xong cấp ba, Công nhập ngũ, ra quân về quê đi làm rừng, rồi thành công nhân cao su để nuôi mẹ.
Tuổi thơ khốn khó đã cho Công thêm nhiều kinh nghiệm và sự vững vàng trong cuộc sống. Khi biết con trai yêu một cô gái người Chứt, mẹ cùng một số người thân đã phản đối. "Em là con trai một, người Chứt là tộc người nguyên sơ, từ trước tới giờ chưa có một người Kinh nào kết hôn với dân tộc Chứt. Bởi vậy, mọi người rất lo lắng khi biết em yêu Mai", chàng trai 23 tuổi nhớ lại.
Mái tóc dài, nước da ngăm đen, Mai chỉ cười mỉm và nhẹ nhàng khi chia sẻ về chuyện tình của mình. Nhận lời yêu và cưới Công là bước ngoặt của cuộc đời cô và có ý nghĩa với gia đình.
Ở bản Rào Tre, trẻ em ít được đi học, lớn lên thì kết hôn với những người cùng huyết thống. Mai thì khác, cô được học đến lớp 11 ở trường dân tộc nội trú và hiện là người có trình độ cao nhất bản. Sau khi nghỉ học, cô về truyền lại kiến thức cho một số em nhỏ trong bản.
Tình yêu vừa chớm nở cũng là lúc Công lên đường vào miền Nam, anh làm đủ thứ nghề để mong ngày về có vốn để lập gia đình. Tình cảm được vun đắp chủ yếu qua các cuộc điện thoại.
"Mỗi năm, bọn em gặp nhau được hai lần, hầu như vào ngày lễ Tết. Những lần gặp ấy, niềm vui xen lẫn nước mắt. Có năm vì kinh tế khó khăn, anh Công không về được, em nhớ lắm nhưng không vì thế mà bọn em mất sự tin tưởng ở nhau", Mai nói.
Gia đình Mai không phản đối chuyện yêu đương của con gái. "Tôi mừng, vui lắm. Con tôi đã lấy người Kinh đấy. Đây là đám cưới to nhất bản mà tôi chứng kiến. Giờ chỉ mong chúng nó sống hạnh phúc, làm ăn tốt", ông Hồ Pắc, bố của Mai, nói.
Không giấu nổi sự xúc động trong ngày cưới của con trai, bà Lê Thị Thành, mẹ Công cho biết, bà đã bỏ qua mọi định kiến, mong con vui và hạnh phúc. "Mai sẽ về sinh sống với gia đình, tôi sẽ dạy cho con dâu cách làm ăn. Sau khi ổn định, tôi sẽ mua bò, gà, lợn cho hai vợ chồng lên cắm bản sinh sống, cùng phát triển kinh tế của bản làng", bà Thanh tâm sự.
Là người đứng ra tổ chức ngày vui cho đôi bạn trẻ, Trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Giàng, rất phấn khởi. Đám cưới này là một bước tiến, giúp chính quyền bớt đi nhiều nỗi trăn trở về vấn đề hôn nhân cận huyết thống ở tộc người Chứt.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đưa ra phương án xây dựng sơ đồ tộc hệ cho bà con người Chứt. Sơ đồ này sẽ thể hiện rõ dòng, nhánh các gia đình có quan hệ bà con, giúp chính quyền kiểm soát được vấn đề đăng ký kết hôn giữa các cặp vợ chồng cận huyết. |
Đức Hùng