Chiều 28/12, sau hai ngày xét xử, ông Tất Thành Cang (50 tuổi) lần đầu được TAND TP HCM gọi lên thẩm vấn và đối chất với Tề Trí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Sadeco) về bút phê "đồng ý" bán 9 triệu cổ phần với giá rẻ.
Trong hơn 30 phút trả lời HĐXX, cựu phó bí thư nhiều lần phản đối cáo trạng, không đồng ý với tội danh bị cáo buộc. Bị cáo đưa ra nhiều lập luận, dẫn chiếu các quy định trong quy chế của Thành ủy, văn bản pháp luật khẳng định bản thân không phải là người "có tính quyết định" đến sai phạm tại Sadeco.
Theo ông Cang, về nguyên tắc, đại diện vốn của Thành ủy tại Sadeco muốn chuyển nhượng phần vốn phải có sự chấp thuận của lãnh đạo cơ quan. Tuy nhiên, trong chức năng quyền hạn của mình, bị cáo chỉ thống nhất về chủ trương, còn quyền hạn thuộc thẩm quyền của Văn phòng Thành ủy.
Sau khi nhận được tờ trình của Văn phòng Thành ủy kèm tờ trình số 12A của Sadeco, ngày 16/5/2017, ông Cang tổ chức họp lấy ý kiến và bút phê "đồng ý" trên cơ sở tham mưu và đề xuất của đại diện Văn phòng Thành ủy. Bút phê của ông cũng căn cứ vào tờ trình của Sadeco, với giá cố phần phát hành được ghi là "giá dự kiến: 40.000 đồng/cổ phần".
Từ đó, thông báo của Văn phòng Thành ủy về việc chấp thuận cho Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần cũng dựa theo tờ trình này. Nhưng khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông để đưa ra quyết định cuối cùng về việc bán cổ phần thì Sadeco lại căn cứ vào tờ trình số 13 - theo đó giá được ấn định là 40.000 đồng/cổ phần.
"Hai tờ trình này khác nhau về nội dung, bản chất pháp lý. Theo quy chế của Thành ủy, tờ trình số 12A cũng như thông báo về việc chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần theo tờ trình này không được sử dụng trong Đại hội cổ đông và làm căn cứ quyết định việc bán cổ phần. Ngoài ra, tờ trình số 12A cũng không thể hiện việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim", ông Cang lập luận.
Một lần nữa cựu phó bí thư cho rằng, Văn phòng Thành ủy chỉ xin chỉ đạo về chủ trương, nên ông cũng chấp nhận về chủ trương, còn thẩm quyền quyết định thuộc Đại hội đồng cổ đông. Việc này căn cứ vào Nghị quyết của Sadeco - quyết định thời gian chuyển nhượng vốn được thực hiện ngay sau đại hội, còn tờ trình ông Cang bút phê không quyết định thời gian chuyển nhượng.
Theo ông Cang, khi báo cáo, xin ý kiến, nội dung phải trung thực, chính xác, nhưng tờ trình của Sadeco đã không trung thực nên cuộc họp Đại hội cổ đông đã không thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo trong cuộc họp do ông chủ trì tại Thành ủy.
"Khi nội dung thể hiện tại Hội đồng cổ đông không đúng với tờ trình, thì người đại diện vốn Thành ủy không được biểu quyết thông qua mà phải xin ý kiến lại của Thành ủy. Nếu tự ý biểu quyết thì phải chịu trách nhiệm. Đây là nội dung được quy chế hành chính Thành ủy đã nêu rõ", ông Cang nói.
Viện dẫn quy định của Luật quản lý, kinh doanh vốn Nhà nước, ông Cang cho rằng các quyết định tại Hội đồng cổ đông được thực hiện theo nguyên tắc đối vốn. Trong khi đó, Thành ủy (chỉ có 16,7% vốn góp tại Sadeco) không có quyền quyết định đối với hoạt động của công ty. Vì vậy thông báo về việc chấp thuận chủ trương của Thành ủy không có tác động và có tính quyết định đối với việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần mà chỉ có giá trị trong phần vốn góp.
Ông Cang cũng phản bác cáo trạng cho rằng mình chỉ đạo Tề Trí Dũng bán vốn tại Sadeco và đề nghị được đối chất.
Ngay sau đó HĐXX hỏi Dũng: "Ngoài bút phê đồng ý vào tờ trình, ông Cang có chỉ đạo nào khác liên quan đến sai phạm tại Sadeco?". Bị cáo trả lời: "Ngoại trừ việc anh Cang nói tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim, thì không có chỉ đạo nào về việc phát hành 9 triệu cổ phần mà chỉ trình Thành ủy theo thủ tục".
Theo Dũng, trước khi có việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo đã 2 lần gặp Phó bí thư. Lần đầu, ông Cang hỏi về việc Sadeco hoạt động thế nào; lần sau gặp trong buổi họp mặt tại nhà, ông Cang nói Dũng "tạo điều kiện cho Nguyễn Kim".
"Trong nhận thức của bị cáo, nếu không nhận được lời nói chỉ đạo nào thì sẽ không có việc xúc tiến hợp tác với Công ty Nguyễn Kim... Anh Cang chỉ mở lời nói như vậy, nhưng cũng từ đây bị cáo nhận thức và bắt đầu cho những việc sau này", Dũng nói, thêm rằng: "Tuy nhiên, đó chỉ là sự tiếp nhận về mặt đạo đức của cấp dưới với cấp trên chứ không phải vì vậy mà biết sai vẫn thực hiện".
Trong vụ án này, cựu phó bí thư Thành uỷ Tất Thành Cang bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí do đã chấp thuận cho Sadeco bán rẻ cổ phần. Ông bị buộc chịu trách nhiệm đối với 184 tỷ đồng - tương đương với phần vốn của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco.
Là người có vai trò cầm đầu xuyên suốt vụ án, bị cáo Dũng và 18 đồng phạm bị cáo buộc đã sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần - thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng.
Dũng và 18 đồng phạm bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Ngoài ra, cựu chủ tịch Sadeco và 6 bị cáo khác còn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản, liên quan đến việc chi sai quỹ khen thưởng của công ty chiếm đoạt 4,7 tỷ đồng và chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi "tham quan, khảo sát", gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng.
Ngày mai, HĐXX tiếp tục với phần xét hỏi.
Hải Duyên