Ngày 28/12, phiên xử Tề Trí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Sadeco - Công ty con của IPC, 100% vốn thuộc UBND TP HCM); ông Tất Thành Cang (50 tuổi) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn, làm rõ sai phạm của các bị cáo.
Trả lời HĐXX, Tề Trí Dũng nói rằng, việc Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang bút phê "đồng ý" với phương án để Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) là "chỉ đạo quan trọng nhất trong vụ án và có tính quyết định", gây thiệt hại tiền của Nhà nước.
Theo bị cáo, HĐQT của Sadeco có 7 thành viên, trong đó 2 thành viên đại diện vốn góp của Thành ủy, 3 thành viên thuộc IPC gồm Dũng, Trần Đăng Linh (Phó tổng giám đốc Công ty IPC, thành viên HĐQT Sadeco) và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco). Quá trình đề ra chủ trương và thực hiện các hoạt động tại Sadeco, IPC luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy thành phố.
"Trong tất cả các hoạt động của Sadeco cũng như biên bản cuộc họp HĐQT, chúng tôi luôn ghi rõ nội dung chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng tôi làm điều gì trái với chỉ đạo của Thành Ủy", cựu chủ tịch HĐQT Sadeco nói.
Bị cáo Dũng cũng cho rằng, trong quá trình IPC xin ý kiến lãnh đạo thành phố và các cơ quan ban ngành đều "viện dẫn ý kiến chỉ đạo" của Phó bí thư Tất Thành Cang.
Một lần nữa cựu chủ tịch Sadeco khẳng định văn bản chỉ đạo của ông Cang "là nội dung quan trọng nhất trong vụ án", quyết định việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Nói về trách nhiệm của mình trong chủ trương và thực hiện việc phát hành, bán rẻ 9 triệu cổ phần, bị cáo Dũng cho biết "rất hối hận", thừa nhận sai phạm xuất phát từ nhận thức. Bị cáo đã chủ quan, có sự nhầm lẫn là "việc phát hành cổ phần không phải là bán vốn Nhà nước".
Một phần nguyên nhân nữa, theo Dũng, là trong quá trình xin ý kiến lãnh đạo thành phố, ngoài các văn bản chỉ đạo yêu cầu Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm, không có sở ngành nào nói bị cáo việc phát hành, phải đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị Định 91 về quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
"Bản thân bị cáo lúc đó nhận thức mình đã hoàn thành nhiệm vụ, chọn phương án tối ưu nhất cho Sadeco. Sau này, bị cáo mới biết là có sai sót dẫn đến thiệt hại tài sản Nhà nước. Nhưng sai phạm này xuất phát từ sự chủ quan chứ không phải là vụ lợi", Dũng nói, thêm rằng "cảm thấy nhẹ lòng vì khi nhận thấy mình sai đã chủ động hủy hợp đồng, không để thiệt hại cho Nhà nước".
Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) cho rằng, khi được người đại diện vốn của Thành ủy tại Sadeco xin ý kiến, đã thống nhất chủ trương tham mưu và giao văn phòng lập tờ trình gửi Phó bí thư Tất Thành Cang. Ông Cang sau đó đã bút phê "đồng ý" với chủ trương trong tờ trình.
Ông Thông thừa nhận ý kiến của Phó bí thư Tất Thành Cang lúc đó là "cơ sở" để thực hiện phương án phát hành 9 triệu cổ phần, còn bản thân mình có thiếu sót trong việc tham mưu. "Trong suy nghĩ của bị cáo, giá 40.000 đồng/cổ phần lúc đó chỉ là cơ sở để duyệt chủ trương, còn giá bán thế nào sau khi thông qua sẽ được Hội đồng cổ đông quyết định theo quy định", ông Thông giãi bày.
Riêng bị cáo Trần Công Thiện (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco) không đồng ý với tội danh bị truy tố Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí bởi Sadeco là công ty cổ phần nên "cổ phần bán ra không phải tài sản của Nhà nước".
"Vốn của Thành ủy tại Sadeco là tài sản Văn phòng thành ủy, Đảng bộ TP HCM. Khi tài sản Nhà nước đã chuyển giao cho tổ chức chính trị thì tổ chức này toàn quyền định đoạt tài sản đó", ông Thiện nói.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, một số bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên tại IPC, Sadeco và đại diện vốn góp Văn phòng Thành ủy thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, họ cho rằng lúc thực hiện không nhận thức được việc phát hành cổ phần Sadeco không qua đấu giá là sai, mà chỉ nghĩ có lợi cho công ty vì Công ty Nguyễn Kim "đang ăn nên làm ra".
Theo cáo buộc, Tề Trí Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Sadeco và các thành viên được giao đại diện phần vốn góp của thành phố đã sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần - thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng
Là người có vai trò cầm đầu xuyên suốt vụ án, bị cáo Dũng và 18 đồng phạm bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm.
Ngoài ra, Dũng, Phúc và các cá nhân liên quan còn lợi dụng quyền hạn được giao, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ; chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi "tham quan, khảo sát", gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng. Dũng và 6 đồng phạm bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-15 năm; 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Trong vụ án, cựu phó bí thư Thành uỷ Tất Thành Cang bị truy tố Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí do đã chấp thuận cho Sadeco bán rẻ cổ phiếu. Ông này bị buộc chịu trách nhiệm đối với 184 tỷ đồng - tương đương với phần vốn của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco.
Dự kiến, chiều nay HĐXX sẽ thẩm vấn ông Cang.
Hải Duyên