Ngày 11/5, trong kết luận điều tra bổ sung về vụ án sai phạm tại Sadeco, Công an TP HCM xác định ông Tất Thành Cang (Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020) phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thiệt hại này (tương đương số vốn của Văn phòng Thành ủy góp vào Sadeco). Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng quá trình công tác bị can có nhiều "thành tích, đóng góp cho thành phố", "đã nhận thức được thiếu sót của bản thân"... nên đề nghị VKS và tòa án xem xét giảm trách nhiệm khi truy tố và xét xử.
Động thái này được đưa ra sau hai tháng Công an TP HCM điều tra bổ sung theo đề nghị của VKS khi trả hồ sơ.
Sadeco là công ty con của Công ty Tân Thuận IPC (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) với vốn điều lệ là 170 tỷ đồng. Trong đó, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ 62,8%. Cụ thể, IPC chiếm tỷ lệ 44%, Văn phòng Thành ủy (VPTU) 16,7%, Taconves 14,1%...
Cơ quan điều tra xác định, trên cơ sở đề xuất của Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc ngày 24/4/2017, nhóm đại diện quản lý vốn của VPTU tại Sadeco đã trình phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) để tăng vốn điều lệ Sadeco. Ngày 16/5/2017, Phó bí thư Tất Thành Cang đã tổ chức họp, sau đó có bút phê "đồng ý".
Ông Cang bị cáo buộc là biết rõ việc phát hành cổ phần phải đấu giá, thẩm định giá nhưng không chỉ đạo VPTU, người đại diện vốn, có ý kiến về giá phát hành cổ phần (được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần) cho cổ đông chiến lược là sai quy định tại Điều 125 và Điều 149 Luật Doanh nghiệp (thẩm quyền quyết định về giá bán thuộc về Hội đồng quản trị). Từ bút phê của Phó bí thư, nhóm đại diện vốn của VPTU đã biểu quyết đồng ý phương án bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Sau thương vụ này, Sadeco thu về 360 tỷ đồng - thấp hơn giá trị thực rất nhiều.
Hồi tháng 3, căn cứ Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định, thời điểm tháng 1/2017 giá trị tài sản của Sadeco là gần 2.890 tỷ đồng, cổ phần Sadeco phải là 144.489 đồng/cổ phần. Vì vậy, khi nhân cho 9 triệu cổ phần sẽ ra thiệt hại là hơn 940 tỷ đồng.
Với các sai phạm trên, ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các bị can khác bị đề nghị truy tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Ngoài ra, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) còn bị cáo buộc thêm hành vi Tham ô tài sản. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án bị VKS trả, đề nghị điều tra làm rõ hai nội dung.
Trong bản kết luận lần này, cơ quan điều tra xác định giá trị một cổ phần của Sadeco là 162.571 đồng chứ không phải 144.489 đồng như trước, nên thiệt hại của vụ án là hơn 1.100 tỷ đồng - nhiều hơn 160 tỷ đồng so với kết luận cũ.
Đối với việc xác định có hay không thiệt hại trong thời gian Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến lúc hai bên chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền và cổ phần cho nhau, cơ quan điều tra cho rằng nhà nước không thiệt hại thêm bởi Sadeco chưa từng chia cổ tức cho cổ đông cho đến khi vụ án bị phát hiện.
Đối với yêu cầu làm rõ vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim trong vụ án, Công an TP HCM giữ nguyên quan điểm trước đây.
Cụ thể, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Hữu Thành (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim) và Phạm Nhật Vinh (nguyên Tổng giám đốc) - hai đại diện Công ty Nguyễn Kim tham gia vào HĐQT Sadeco, trực tiếp biểu quyết việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim, đã xuất cảnh) là người cử Thành và Vinh tham gia vào HĐQT Công ty SADECO, đại diện theo ủy quyền đối với cổ phần của Công ty Nguyễn Kim tại Sadeco. Tuy nhiên, chưa có tài liệu xác định ông Nguyễn Văn Kim can thiệp, tác động, yêu cầu hai bị can này biểu quyết phát hành với giá cổ phần. "Hiện chưa có căn cứ kết luận ông Kim và các cá nhân liên quan khác đồng phạm trong việc mua 9 triệu cổ phần", kết luận điều tra nêu.
Quốc Thắng