Ngày 10/3, VKSND TP HCM trả hồ sơ vụ án để cơ quan điều tra cùng cấp thực hiện đề nghị trên, bởi căn cứ vào các quy định thiệt hại vụ án không phải như vậy.
Ngoài ra, cơ quan công tố còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu đồng phạm của Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) trong vụ án...
Trước đó, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) cũng có kiến nghị gửi cơ quan tố tụng xem xét lại thiệt hại trong vụ án, bởi nó đã được khắc phục bao gồm cả tiền mua cổ phần và lãi phát sinh ngay sau khi sai phạm được phát hiện. Do đó, cơ quan điều tra xác định các bị can gây thiệt hại 940 tỷ đồng là không đúng. Ngoài ra, bà Thơ cũng cung cấp một số chứng cứ mới liên quan đến vấn đề thẩm định giá để cơ quan tố tụng xem xét lại hành vi của thân chủ.
Cơ quan điều tra xác định, cuối năm 2016, sau khi mua 5,2 triệu cổ phần Sadeco từ Công ty Exim (giá 57.000/cổ phần), Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và cam kết cùng phát triển 2 dự án tại 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) và Khu dân cư Rạch Chiếc (hiện là TP Thủ Đức).
Tháng 1/2017, Sadeco thuê Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) xác định giá trị doanh nghiệp, xác định mỗi cổ phần là hơn 36.500 đồng. Đến tháng 6/2017, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phần và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Ông Tất Thành Cang khi đó là Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM đã có bút phê đồng ý để Sadeco phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá trên, thu về 360 tỷ đồng mà không qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định.
Theo cơ quan điều tra, giá này thấp hơn giá trị thực rất nhiều do Dũng sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC - doanh nghiệp không có chức năng thẩm định, khiến tài sản của Sadeco bị đánh giá thấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho Sadeco.
Với các sai phạm trên, ông Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các bị can khác bị đề nghị truy tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Ngoài ra, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) còn bị cáo buộc thêm hành vi Tham ô tài sản.
Quá trình điều tra, để tính thiệt hại vụ án, Công an TP HCM đã trao đổi với VKS, đưa ra hai phương án. Một là chọn giá trị mà Công ty HSC đã định giá trước đó nhưng theo định giá đầy đủ, thì cổ phần của Sadeco phải có giá hơn 86.000 đồng/cổ phần. Từ đây, cơ quan điều tra tính phần chênh lệch để nhân với số cổ phần bán ra sẽ cho ra thiệt hại.
Cụ thể là: (86.000-40.000) x 9 triệu cổ phần = 777 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại của vụ án sẽ là 417 tỷ đồng (777 tỷ - 360 tỷ).
Tuy nhiên, cách tính này sau đó bị bác bỏ bởi Công ty HSC không có chức năng thẩm định giá và phương pháp họ dùng cũng không phản ánh đúng giá trị tài sản.
Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định, thời điểm tháng 1/2017, giá trị tài sản của Sadeco là gần 2.890 tỷ đồng, cổ phần Sadeco phải là 144.489 đồng/cổ phần. Vì vậy, khi nhân cho 9 triệu cổ phần sẽ ra thiệt hại là hơn 940 tỷ đồng.
Hải Duyên