"Chúng tôi hoàn toàn có nguồn lực, khả năng và sự tự tin để đương đầu với những rủi ro và thách thức của cuộc chiến thương mại", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/6 nói với truyền thông Nga trước chuyến thăm của ông đến nước này.
Ông Tập cho rằng mặc dù tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại kể từ đầu năm, Trung Quốc vẫn có sự phát triển ổn định nhờ vào đổi mới cấu trúc kinh tế. Trung Quốc có dân số trong tầng lớp trung lưu nhiều nhất thế giới và họ tạo ra nhu cầu lớn. Tiêu dùng trong nước hiện chiếm hơn 76% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong quý đầu tiên năm 2019, không thay đổi so với ba tháng cuối năm ngoái. Tuy nhiên tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và bán lẻ đã giảm mạnh vào tháng 4. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 là 6,6% - mức thấp nhất kể từ năm 1990. Những dữ liệu này được công bố trước khi Mỹ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi tháng 5.
Theo ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật, việc các doanh nghiệp Trung Quốc phải thay đổi chuỗi cung ứng vì cuộc chiến thương mại sẽ khiến GDP năm nay của nước này "bốc hơi" 0,5%.
Mỹ - Trung leo thang căng thẳng thương mại sau khi Trump áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ. Washington muốn gây áp lực lên Bắc Kinh để giảm thâm hụt thương mại, khiến Trung Quốc thay đổi các chính sách mà Mỹ coi là thiếu công bằng như trợ cấp cho doanh nghiệp nội hay ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường nước này.
Giới quan sát đánh giá chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai siêu cường và đang lan sang các lĩnh vực khác. Mỹ tháng trước ra các lệnh cấm nhắm vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc và chỉ trích các hoạt động "đe dọa chủ quyền nước khác" của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần trước, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề mang "giá trị cốt lõi". Nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới.
Cuối tuần trước, Trung Quốc công bố sách trắng về thương mại, đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra bế tắc đàm phán. Mỹ sau đó bác bỏ lập luận của Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh "bóp méo bản chất" sự việc và nói rằng đàm phán bế tắc do Trung Quốc rút lại những cam kết hai bên đã đồng ý vào phút chót.
Hai nước chưa lên kế hoạch nối lại đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại. Hiện chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump có gặp song phương để giải quyết bất đồng khi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tháng này tại Nhật Bản hay không.
Phương Vũ (Theo SCMP)