Nhiều người Trung Quốc khi đó cho rằng đó chỉ là một câu nói mang tính khẩu hiệu của Tập Cận Bình, người vừa mới lên nắm quyền tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một loạt động thái chính sách gần đây của chính phủ Trung Quốc nhắm đến các công ty Internet, ngành dạy thêm chạy theo lợi nhuận, game online, sao giải trí..., cùng những phát biểu về "cùng nhau thịnh vượng" dường như cho thấy sự nghiêm túc của Chủ tịch Tập trong việc định hướng đất nước trở lại với giá trị của chủ nghĩa xã hội.
Theo giới quan sát, ông Tập đang thúc đẩy một "cuộc cách mạng nhỏ", nhằm kiềm chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản và loại bỏ những ảnh hưởng văn hóa tiêu cực từ phương Tây. Các chính sách được đưa ra bao trùm mọi lĩnh vực, từ chương trình giảng dạy trong trường học đến siết chặt hơn quy định về bất động sản và ngành giải trí mà chính phủ coi là không lành mạnh.
Những quyết sách này khiến các nhà đầu tư bối rối, buộc giới chức và truyền thông Trung Quốc phải nhanh chóng tìm cách trấn an. People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/9 cho biết sự ủng hộ của chính phủ dành cho khu vực tư nhân "không thay đổi", giải thích rằng các quy định mới nhằm "chấn chỉnh trật tự thị trường", thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và "hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mục đích của các chính sách mới rất rõ ràng. "Ông Tập muốn giải quyết một vấn đề mang tính thời đại, trong đó những cuộc cải cách theo xu hướng tân tự do đã khiến Trung Quốc trở nên kém bình đẳng hơn rất nhiều", Rana Mitter, giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford của Anh, nhận định.
Các nhà phân tích cho biết tình trạng bất bình đẳng đó, cùng việc tài sản và quyền lực ngày càng dồn vào một số lĩnh vực, tiềm ẩn mối đe dọa làm suy yếu sự ổn định xã hội, cuối cùng gây ảnh hưởng đến việc điều hành đất nước của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thời điểm đưa ra loạt chính sách mới dường như còn phản ánh niềm tin rằng Trung Quốc có thể xử lý các vấn đề bằng mô hình quản trị của riêng mình, thay vì bắt chước "khuôn mẫu nhiều thiếu sót" của phương Tây, được thể hiện qua cách ứng phó Covid-19, hay sự hỗn loạn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chiến dịch Washington rút quân khỏi Afghanistan.
"Mô hình quản trị của Trung Quốc dường như đáp ứng tốt cuộc chiến chống Covid-19", Chen Daoyin, phó giáo sư từng làm việc tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải, nhận xét, nói thêm rằng ông Tập có lẽ tự tin cân bằng được giữa cách điều hành của chính phủ với thị trường, giữa quyền lực nhà nước và dòng vốn đầu tư.
Dưới thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương giải phóng người dân khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, phá bỏ tư hữu và đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm ông Mao, đã tiến hành bước ngoặt lớn mang tính thực dụng, khi cho phép thị trường thúc đẩy sản xuất, mở ra 4 thập kỷ tăng trưởng thần tốc và thúc đẩy tích lũy khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, đây được cho là nguyên nhân gây bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, ông Tập quyết định tháo gỡ hàng loạt vấn đề xã hội, từ việc tỷ lệ sinh liên tục suy giảm, bệnh thành tích trong giáo dục, đến tình trạng thế hệ trẻ quá căng thẳng vì vòng xoáy xã hội và quyết định bỏ cuộc. Đây được coi là động lực để chính phủ Trung Quốc ra những quy định mới ngăn thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian chơi game online và đổ quá nhiều tiền cho thần tượng giải trí.
"Ông Tập hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề khiến người dân khốn khổ, như nạn tham nhũng của quan chức và khoảng cách giàu nghèo", phó giáo sư Chen cho biết.
Dù vẫn tồn tại những hoài nghi về khả năng chính quyền khuyến khích người dân sinh thêm con, hay giúp giá nhà ở các thành phố lớn trở nên hợp lý hơn, một số động thái đã giành được ủng hộ rộng rãi. Nhiều phụ huynh hoan nghênh việc giảm tải giáo dục và quy định trẻ em chỉ được chơi điện tử ba giờ mỗi tuần.
Theo một số nhà phân tích, những tính toán của ông Tập không chỉ dừng lại ở việc ổn định xã hội, mà còn vươn xa hơn nữa.
"Ông Tập là một lãnh đạo đầy tham vọng với tầm nhìn xa. Ông ấy thực sự muốn đi vào lịch sử với tư cách người giữ vững đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa đất nước trở nên hùng mạnh", Yang Chaohui, giảng viên chính trị tại Đại học Bắc Kinh, đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)