Trung Quốc ngày 27/10 ra thông cáo dài 6.000 từ sau cuộc họp kín kéo dài 4 ngày của đảng Cộng sản nước này. Tuy nhiên, mọi ánh mắt đồ dồn về hai từ quan trọng nhất "hạt nhân" được dành cho ông Tập Cận Bình, theo SCMP.
Việc ông Tập trở thành "hạt nhân của đảng" không khiến truyền thông Trung Quốc ngạc nhiên. Trước kỳ họp, các quan chức nước này đã làm công tác tuyên truyền cho lãnh đạo "hạt nhân" này.
Tuy nhiên, việc tôn vinh chính thức ông lên làm lãnh đạo hạt nhân là sự xác nhận ông ngang hàng với các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình và mở rộng quyền lực của ông trước kỳ đại hội đảng quan trọng vào mùa thu năm sau.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 dự kiến bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, trong đó bao gồm Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đủ tiêu chuẩn tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo, 5 người còn lại sẽ về hưu do bị ràng buộc bởi tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ.
Với quyền lực hạt nhân, ông Tập Cận Bình có thể bổ sung người ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo. Từ khi lên nắm quyền cuối năm 2012, ông đã nhanh chóng tập trung quyền lực với vai trò người đứng đầu đảng Cộng sản, nhà nước và quân đội. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn mở rộng ảnh hưởng tới kinh tế, lĩnh vực theo thông lệ do thủ tướng đảm nhiệm.
Cụm từ "lãnh đạo hạt nhân" xuất hiện sau biến động Thiên An Môn tại Trung Quốc năm 1989. Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình dùng tên gọi này cho ông Giang Trạch Dân khi ông Giang được bầu làm tổng bí thư, thay cho người tiền nhiệm Triệu Tử Dương.
Ông Đặng Tiểu Bình khi đó tự nhận là thế hệ lãnh đạo hạt nhân thứ hai, ông Mao Trạch Đông là thế hệ thứ nhất, còn ông Giang thuộc thế hệ thứ ba, ám chỉ quyền lực của họ không thể bị nghi ngờ.
Sự chỉ định này khiến ông Giang từ một bí thư thành phố Thượng Hải trở thành nhà lãnh đạo ngang hàng với hai người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông. Nó cũng giúp ông Giang mở rộng quyền lực và đảm bảo vị trí lãnh đạo đảng, đất nước trong 15 năm cầm quyền.
Khi ông Giang rời vị trí tổng bí thư năm 2002 và chủ tịch nước năm 2003, danh xưng "lãnh đạo hạt nhân" không được chuyển cho người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông Giang tiếp tục nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đến năm 2004.
Thậm chí cho đến khi đã hoàn toàn nghỉ hưu, ông Giang được tin là vẫn có ảnh hưởng đáng kể ở hậu trường trong suốt 10 năm ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền.
Nhiều người cho rằng việc này đã làm suy yếu chính quyền, khiến nạn tham nhũng bùng phát trong giới quan chức do không có cơ chế giám sát và kiểm soát hiệu quả.
Bất mãn gia tăng tại Đại lục do nạn tham nhũng khiến ông Tập, người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, có cơ hội phát động chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tại Trung Quốc để củng cố quyền lực và nhận được sự ủng hộ của công chúng.
Sự thừa nhận ông Tập là lãnh đạo hạt nhân chắc chắn sẽ gây suy đoán về việc ông có thể thay đổi các quy định chuyển giao quyền lực hoặc ông có thể tiếp tục tại vị sau năm 2022, thời điểm mà theo quy định hiện nay ông phải về hưu do đã kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo liên tục. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra. Bất chấp việc tập trung phần lớn quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gây ra tranh đấu quyết liệt trong nội bộ đảng nếu tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình, theo cây bút Wang Xiangwei.
Bên cạnh đó, Hội nghị trung ương lần này đã ra thông cáo cho biết từng cá nhân trong đảng sẽ được tập thể giám soát chặt chẽ. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không cho phép tâng bốc lãnh đạo quá đà.
Tuy nhiên, với vị trí "lãnh đạo hạt nhân" cùng việc hội nghị trung ương 6 nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo tập trung, ông Tập có thể có thêm quyền lực để cắt giảm số thành viên Bộ chính trị từ 7 người hiện nay xuống 5. Khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã giảm số thành viên Bộ Chính xuống còn 7 thay vì 9 như thời ông Hồ Cẩm Đào.
"Nguyên nhân chính được đưa ra là số lượng thành viên nhiều trong Bộ Chính trị khiến quá trình đưa ra quyết định trở nên chậm chạp, kém hiệu quả", theo ông Wang.
Xem thêm: Quyền lực vượt trội của ông Tập Cận Bình
Văn Việt - Tử Quỳnh