"Người Ukraine muốn giành lại những gì đã bị lấy đi một cách phi lý, nhưng nếu không thể kiểm soát hoàn toàn những khu vực đã mất, họ sẽ phải lựa chọn giữa cuộc xung đột bế tắc hay lối thoát bằng trưng cầu dân ý do cộng đồng quốc tế giám sát", cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trả lời phỏng vấn ngày 16/8.
Đề cập đến bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014, ông Sarkozy cho rằng mong muốn giành lại phần lãnh thổ này của Ukraine là "ảo tưởng". "Một cuộc trưng cầu dân ý không gây tranh cãi sẽ là cần thiết để cải thiện tình hình hiện nay", ông nói thêm.
Theo cựu tổng thống Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin "không phải không hiểu lý lẽ" và có thể tiếp cận người đứng đầu Điện Kremlin bằng chính sách ngoại giao phù hợp từ châu Âu, đồng thời nhắc lại rằng ông đã thuyết phục ông Putin "rút xe tăng" trong xung đột Gruzia năm 2008.
"Nga là láng giềng của châu Âu và sẽ mãi như vậy", ông Sarkozy nói. "Ngoại giao, thảo luận và đàm phán vẫn là cách duy nhất để tìm ra giải pháp có thể chấp nhận được. Không gì có thể xảy ra nếu không có sự thỏa hiệp".
Cựu tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng Ukraine nên giữ vị thế "trung lập" và không nên được kết nạp vào Liên minh châu Âu (EU) hay NATO.
Bình luận của ông Sarkozy lập tức gây phẫn nộ ở Ukraine. Mykhailo Podolyak, trợ lý cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói rằng những phát biểu này dựa trên "logic tội phạm".
"Ông không thể đổi chác lãnh thổ của nước khác chỉ vì ông sợ ai đó hoặc vì ông cùng một giuộc với họ", Podolyak nói, đồng thời cáo buộc khi còn đương chức, ông Sarkozy "cố tình tham gia âm mưu để Nga kiểm soát các lãnh thổ Ukraine".
Ông Sarkozy, làm tổng thống Pháp từ 2007 đến 2012, cũng hứng nhiều chỉ trích tại Pháp vì bình luận này. Julien Bayou, nghị sĩ cấp cao của đảng Xanh, nói rằng Sarkozy "nên bị coi là người Nga có ảnh hưởng" và những phát biểu của cựu tổng thống là "điên rồ", "gây sốc".
Bayou cũng đề cập cuộc điều tra đang diễn ra về mối quan hệ của ông Sarkozy với một công ty bảo hiểm Nga.
Cựu cố vấn tình báo của ông Sarkozy, Jerome Poirot, cho rằng tuyên bố của cựu tổng thống là "đáng xấu hổ".
"Ông ấy không có quan điểm về những gì đã xảy ra hoặc những gì ông ấy đã làm trong nhiệm kỳ", Poirot nói, nhắc lại rằng ông Sarkozy là một trong những tiếng nói chính phản đối Gruzia và Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008. "Lằn ranh đỏ của cựu tổng thống Sarkozy là gì? Tầm nhìn của ông ấy đối với an ninh của Pháp là gì? Là nhượng bộ bất cứ điều gì Putin muốn hay sao?".
Stian Jenssen, chánh văn phòng Tổng thư ký NATO, trước đó cũng hứng chỉ trích khi gợi ý Ukraine có thể gia nhập NATO nếu nhượng một phần lãnh thổ cho Nga. Jenssen sau đó phải xin lỗi, nói rằng bình luận của ông khi đó nằm trong cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản tương lai ở Ukraine.
Huyền Lê (Theo AFP)