"Với tốc độ phát triển của các nước châu Á, trung tâm đời sống kinh tế và chính trị thế giới sẽ dần chuyển sang khu vực này. Đó là quá trình hoàn toàn khách quan và tất yếu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với nhóm 30 học sinh đạt thành tích cao tại lễ khai giảng năm học mới ở Moskva ngày 1/9.
Ông Putin cho rằng đây là lý do để học sinh Nga học tiếng Trung và các ngôn ngữ châu Á khác, nhưng cũng không bỏ bê các ngoại ngữ khác để tương tác với thế giới.
Tổng thống Nga lưu ý quá trình đưa tiếng Trung và các ngôn ngữ châu Á khác vào trường học sẽ không thể nhanh chóng, vì đòi hỏi kinh phí và giáo viên có trình độ.
"Nhưng chúng ta sẽ làm việc này, dựa trên những nền tảng được xây dựng từ trước, bởi ngành Đông phương học ở Liên Xô và hiện tại là Nga luôn ở mức cao, như tất cả đồng nghiệp của chúng ta làm việc trong lĩnh vực này đã công nhận", ông Putin nói.
Cố vấn khoa học và văn hóa của Tổng thống Putin, Andrey Fursenko, hồi đầu tuần cho biết các trường đại học Nga nên dần đưa tiếng Trung Quốc vào chương trình giảng dạy để bắt kịp sự phát triển khoa học, lưu ý rằng hiện 30% bài báo khoa học được viết bằng tiếng Trung.
"Chúng tôi sẽ không ép buộc bất kỳ ai, nhưng cần đi theo hướng này nếu muốn duy trì tính cạnh tranh", Fursenko nói.
Fursenko lưu ý rằng Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI) gần đây cố gắng giới thiệu tiếng Trung như ngoại ngữ bắt buộc thứ hai, nhưng vấp phải "sự phản đối quyết liệt" từ sinh viên.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều là thành viên của BRICS, nhóm sẽ kết nạp Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào tháng 1/2024. Moskva và Bắc Kinh cũng có mối quan hệ song phương bền chặt và đã công bố cam kết chung nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn.
Huyền Lê (Theo RT)