"Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có học thuyết hạt nhân. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Nga, chúng tôi có thể áp dụng mọi biện pháp theo ý mình. Không nên xem nhẹ vấn đề này", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 5/6, khi được hỏi về nguy cơ leo thang hạt nhân ở Ukraine.
Điều 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga quy định tổng thống Nga có thể cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân đáp trả khi xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga.
Học thuyết hạt nhân Nga cũng quy định tổng thống Nga với vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang có toàn quyền ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân.
Ông Putin bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng Nga đang "khua thanh gươm hạt nhân", chỉ ra Mỹ là quốc gia duy nhất từng triển khai vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, khi ném bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.
Ông chủ Điện Kremlin cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine dùng các loại tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga là sự leo thang nghiêm trọng. Theo ông, việc vận hành những loại vũ khí như vậy cần quân nhân và các hệ thống phương Tây hỗ trợ.
Ông Putin nói rằng việc Ukraine phóng tên lửa ATACMS hoặc Storm Shadow nhằm vào Nga có thể dẫn đến phản ứng cứng rắn hơn từ Moskva.
"Chúng tôi sẽ nâng cấp hệ thống phòng không và hủy diệt chúng. Nếu ai đó cho rằng có thể đưa vũ khí như vậy đến vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ Nga và gây rắc rối cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền gửi vũ khí cùng loại đến những khu vực trên thế giới, nơi có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở nhạy cảm của các quốc gia chống lại Nga", ông nói.
Những bình luận này được Tổng thống Nga đưa ra trong cuộc trao đổi kéo dài hơn ba giờ với đại diện các hãng thông tấn quốc tế tại diễn đàn kinh tế thường niên ở thành phố St. Petersburg. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Putin với các truyền thông nước ngoài kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Điện Kremlin gần đây liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc chiến toàn cầu, khi phương Tây đang tìm cách chặn đà tiến quân của Nga ở Ukraine.
Các lãnh đạo phương Tây và Ukraine hạ thấp cảnh báo của Moskva về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Nga, nhưng nhiều lần cho rằng nước này có thể tấn công các thành viên NATO nếu giành chiến thắng ở Ukraine.
Cả ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho rằng xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ dẫn đến Thế chiến III.
"Họ không nên biến Nga thành kẻ thù. Nếu làm vậy, họ chỉ đang gây tổn hại chính mình. Hoàn toàn điên rồ khi nghĩ Nga muốn tấn công NATO. Ai nghĩ ra ý tưởng này vậy? Thật vô nghĩa và nhảm nhí", ông chủ Điện Kremlin cho hay.
Ukraine gần đây liên tục kêu gọi đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để tấn công mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, trong bối cảnh cục diện chiến sự đang thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng bất lợi cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh việc tập kích mục tiêu trên đất Nga chỉ mang tính phòng thủ.
Tổng thống Putin ngày 28/5 cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí họ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Huyền Lê (Theo Reuters)