"Nga bị cấm cản gần như hoàn toàn trong tiếp cận sản phẩm công nghệ cao của nước ngoài. Rõ ràng đây là thách thức lớn, nhưng chúng ta sẽ không đầu hàng và rơi vào tình trạng hỗn loạn, hay như một số 'người tốt bụng' nhận định là Nga sẽ đi lùi hàng chục năm. Tất nhiên là không, thậm chí điều ngược lại sẽ diễn ra", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp Hội đồng Phát triển Chiến lược và Các dự án Quốc gia hôm nay.
Ông Putin thừa nhận Nga không thể phát triển nếu bị tách rời khỏi thế giới, nhưng khẳng định nước này không bị cô lập. "Trong thế giới hiện đại, không thể lập hàng rào khổng lồ nhằm quây kín một quốc gia. Đó là điều bất khả thi", ông chủ Điện Kremlin nói thêm.
Tổng thống Nga cho rằng nước này sẽ phải phát triển công nghệ nội địa và tự xây dựng các doanh nghiệp công nghệ cao.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ các nước phương Tây. Truyền thông nhà nước Nga cho biết nước này chịu khoảng 10.000 hạn chế, trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Mỹ cùng các đồng minh đã loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Liên minh châu Âu cũng quyết định cấm vận dầu Nga, tiến tới loại bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong 6 tháng tới.
Các nước phương Tây cũng ngăn cản Nga tiếp cận nhiều sản phẩm điện tử thương mại, bán dẫn và linh kiện máy bay.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng Mỹ, EU và Singapore.
Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho 6 quốc gia châu Âu, với lý do những nước này không chấp nhận thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble theo yêu cầu từ phía Moskva. Nước này cũng tăng cường hợp tác năng lượng với Trung Quốc và Ấn Độ thông qua bán dầu thô giá rẻ.
Trong phân tích công bố hôm 8/6, các chuyên gia của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm nay và thêm 3% nữa vào năm sau do các lệnh trừng phạt, đồng nghĩa "thành tựu kinh tế trong 15 năm qua của Moskva sẽ bị xóa sổ".
Vũ Anh (Theo Ria Novosti)