"Từ phương diện kỹ thuật quân sự, tất nhiên là chúng tôi sẵn sàng", Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời kênh truyền hình Rossiya-1 và hãng thông tấn RIA trong phỏng vấn ngày 13/3, khi được hỏi liệu Nga đã thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hay chưa.
Theo ông, Mỹ hiểu rõ nếu họ triển khai quân đội tới Ukraine, Nga sẽ coi hành động đó là sự can thiệp. "Mỹ có đủ chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Nga - Mỹ và kiềm chế chiến lược. Vì vậy, tôi không nghĩ có gì phải vội vàng chuẩn bị cho cuộc đối đầu hạt nhân, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng cho kịch bản này", Tổng thống Nga nói.
Ông Putin thường xuyên đề cập đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các dịp quan trọng. Hôm 23/2, nhân kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc, ông tuyên bố Nga đã hiện đại hóa hầu hết lực lượng chiến lược trong "bộ ba hạt nhân" và sắp hoàn tất thử nghiệm một số hệ thống tấn công mới, nhưng không tiết lộ cụ thể.
Trong cuộc phỏng vấn lần này, được thực hiện trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 15-17/3, ông Putin cho hay Moskva sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền bị đe dọa, nhấn mạnh điều này đã được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Nga.
"Vũ khí sinh ra là để sử dụng. Chúng tôi có nguyên tắc riêng của mình", ông cho hay, thêm rằng nếu Mỹ tiến hành các vụ thử hạt nhân, Nga cũng có thể làm điều tương tự.
Tổng thống Nga cũng cho biết Moskva chưa bao giờ đối mặt tình huống cần sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nơi xung đột nổ ra từ tháng 2/2022. "Tại sao chúng tôi cần sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt? Chưa bao giờ cần làm như vậy", người đứng đầu Điện Kremlin cho hay.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga. Tổng thống Putin là người ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ khí hạt nhân, cả với đầu đạn chiến lược và chiến thuật.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin cho biết Triều Tiên đã sở hữu "chiếc ô hạt nhân" của riêng mình và Bình Nhưỡng chưa từng yêu cầu Moskva giúp đỡ bất cứ điều gì.
Ông cũng nói thêm rằng việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO là "bước đi vô nghĩa xét từ quan điểm đảm bảo lợi ích quốc gia của chính họ" và Nga sắp tới sẽ triển khai quân đội tới biên giới với Phần Lan.
Huyền Lê (Theo Reuters)